Thứ Hai, 06/07/2015, 13:22 (GMT+7)
.

Kỳ thi THPT Quốc gia: Đề thi đáp ứng yêu cầu "2 trong 1"

Chiều 4-7, các thí sinh (TS) đã tham dự môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia: Môn Sinh học.
Suốt 8 buổi thi (tính từ ngày 1-7), tại các điểm thi, TS được tạo điều kiện thuận lợi từ cơ sở vật chất cho đến tinh thần.

Theo nhận định của các giáo viên và TS, nhìn chung đề thi không quá dễ nhưng cũng không làm khó TS. Đặc biệt là đề thi đáp ứng được yêu cầu “2 trong 1” và tạo hứng thú cho TS.

Hoàn thành tốt bài thi, nhiều TS ra về với tâm trạng thoải mái.
Hoàn thành tốt bài thi, nhiều TS ra về với tâm trạng thoải mái.

ĐỀ THI VỪA SỨC

Kết thúc môn thi cuối cùng, các TS rời khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Không ít TS cảm thấy thoải mái vì cho rằng đề thi môn Sinh vừa sức mình. Tuy nhiên, nhiều TS tỏ vẻ căng thẳng, lo lắng vì cho rằng đề thi này quá khó. TS Nguyễn Thị Mỹ Huyền (Trường THPT Ca Văn Thỉnh, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Đề thi vừa dài vừa khó, em chỉ làm được khoảng 40%”. Nhiều TS khác cho biết chỉ làm được 30 câu đầu, vì là những kiến thức cơ bản, quen thuộc và có trong sách giáo khoa; còn các câu sau khó nên không tự tin lắm.

Ở buổi thi môn Hóa, nhiều TS đánh giá đề dài nhưng không khó, nhiều câu trong sách giáo khoa nên có thể đạt 7 điểm. Có TS thì cho rằng chỉ làm được không quá 50% đề thi vì các câu hỏi khó, nhiều câu mang tính chất “đánh đố”.

Ngược lại với môn Hóa và Sinh, các môn Địa lý và Lịch sử được các TS rất thích vì cho rằng đề thi vừa sức, lại có nhiều câu hỏi hay. TS Nguyễn Ngọc Thanh Nhi (Trường THPT Trần Hưng Đạo) phấn khởi: “Đề thi Địa lý chỉ có 4 câu, trong đó câu 2 và 3 khá dễ. Câu vẽ biểu đồ (câu 3) thì có yêu cầu rất rõ loại biểu đồ, tụi em không phải lo vẽ nhầm. Câu 2 thì yêu cầu dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam để trả lời nên cũng đơn giản”. Ở môn Lịch sử, đa số TS cho rằng đề thi không khó, nhưng hơi dài; đặc biệt là các câu hỏi đều có độ “mở” nên các em rất thích.

Nhận xét sơ bộ về các đề thi, TS. Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Các đề thi năm nay đều hướng đến thực tế cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn như đề thi Ngữ văn có đề cập đến “hội chứng vô cảm” - một biểu hiện đáng sợ của giới trẻ hiện nay, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện bạo lực, là một vấn đề “nóng” trong thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, đề thi cũng có đề cập đến sự cần thiết của việc rèn luyện kỹ năng sống - một vấn đề rất cần thiết cho các bạn trẻ. Các đề thi còn lại đều có hướng đến thực tiễn cuộc sống và một số vấn đề xã hội, tuy không quá sâu như: Vấn đề dịch MeRs, về VĐV Ánh Viên…. Riêng đề Ngoại ngữ, chỉ mới hướng đến yêu cầu đọc, viết, còn yêu cầu nói và nghe thì hầu như chưa thấy…”.

ÍT TS VI PHẠM QUY CHẾ

PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, Phó Trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của Kỳ thi THPT Quốc gia nhận xét: “Với cách tổ chức thi thế này đã đáp ứng đúng yêu cầu “2 trong 1” mà Bộ GD-ĐT đã đề ra ngay từ đầu, giảm bớt áp lực thi cử, việc đi lại thuận lợi, các TS chỉ dốc hết sức vào 1 lần thi (thay vì 2 lần như trước đây). Mặt khác, sự phân hóa trong đề thi cũng giúp các TS một lần nữa khẳng định lại sức học của mình để chọn trường học thích hợp cho tương lai…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015: Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Ở các điểm thi, mọi việc diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch đề ra, tỷ lệ TS dự thi các môn luôn ở mức cao (bình quân 98%) và chỉ có 6 trường hợp TS vi phạm quy chế (do mang tài liệu vào phòng thi). Tại cụm thi tỉnh, tỷ lệ TS thi các môn cũng rất cao. Cụ thể: môn Hóa học là 97,27%, Sinh học: 96,55%, Địa lý: 98,17%, Lịch sử: 98,48%; không có TS vi phạm quy chế thi.

PGS-TS Võ Ngọc Hà cho biết thêm: Do là lần đầu tổ chức thi theo cách thức mới nên không tránh khỏi lúng túng. Tuy nhiên, do các cán bộ, giáo viên coi thi tại các điểm thi cũng như các thành viên hội đồng thi được hướng dẫn rất kỹ quy chế thi nên công tác tổ chức kỳ thi đã diễn ra
thuận lợi…”.

MINH CHÂU

.
.
.