Kỳ thi THPT quốc gia: "Nóng" từ trong sân ra đến cổng trường thi
Trưa 2-7, các thí sinh (TS) đã hoàn thành môn thi Ngữ văn, cũng là môn thi bắt buộc cuối cùng của các môn thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT (và một số khối thi đại học, cao đẳng). Chưa hết thời gian làm bài, nhiều TS đã ra khỏi trường thi với tâm trạng phấn khởi vì làm tốt bài thi…
“Nóng” từ trong sân trường thi... |
“NÓNG” TẠI CÁC SÂN TRƯỜNG THI
Kết thúc giờ thi, các TS lần lượt tiến ra cổng trường với tâm trạng phấn khởi. Cả sân trường như “nóng” lên với những cảm xúc của các TS. Thí sinh Nguyễn Xuân Lễ (Trường THPT Chê Ghê-va-ra, tỉnh Bến Tre) hồ hởi chia sẻ: “Đề thi năm nay hơi dài nhưng không khó lắm, em làm được hết tất cả các câu, đặc biệt là câu “Cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài trong một đoạn trích trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu”. Tác phẩm này tụi em được ôn tập khá kỹ, lại ra đề trong thi học kỳ vừa qua nên có lẽ thí sinh nào cũng làm được”.
Nhiều TS khác cũng rất thích đề thi môn Ngữ văn và cho rằng mình đã làm bài tốt; thậm chí có em đã làm xong bài thi chỉ trong khoảng 2/3 thời gian. Tuy nhiên, không ít TS cho rằng hệ thống câu hỏi của môn Ngữ văn quá dài nên các em không hoàn thành hết.
Và ra đến cổng trường thi. |
Tương tự buổi thi Ngữ văn, trong ngày hôm trước, mới 2/3 thời gian của buổi thi môn Toán, nhiều TS đã nộp bài thi ra sớm. Theo nhận định của đa số TS, đề thi môn Toán năm nay khá “dễ thở”. Tuy vậy, không ít TS cho rằng đề thi cũng quá dài nên không thể làm hết các câu hỏi, đặc biệt là các câu cuối quá khó, các bạn làm không kịp.
TS Nguyễn Lê Khương (xã Tân Bình, TX. Cai Lậy) cho biết: “Đề Toán dài nhưng không khó lắm, em nghĩ mình làm được khoảng 7 điểm. Em dự thi đại học khối C, thế mạnh của em không phải là môn Toán, vì vậy em nghĩ đề thi này sẽ không làm khó các bạn học tốt môn này”.
PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh Kỳ thi THPT Quốc gia nhận xét: “Các buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch đề ra. Các điểm thi đều có số lượng TS dự thi cao (trung bình khoảng 99%). Tính đến thời điểm này, không có TS hay giám thị vi phạm quy chế. Tình trạng sức khỏe của TS cũng được bảo đảm, ngoại trừ 1 trường hợp TS của điểm thi Trường Trung học Bưu chính và Công Nghệ thông tin III (TS này bị bệnh thủy đậu). Trường hợp này, chúng tôi đã sắp xếp cho TS dự thi riêng để đảm bảo an toàn cho các TS khác”. |
Không được như 2 môn Toán và Ngữ văn, đa số TS không tự tin lắm với môn Ngoại ngữ, cho rằng cao lắm mình cũng chỉ đạt điểm trung bình.
TS Phạm Trần Phương Thảo (Trường THPT Phạm Thành Trung) chia sẻ: “Đề thi dài, các câu hỏi cũng khó nên em không làm được hết, đặc biệt là phần thi tự luận yêu cầu tụi em viết một đoạn văn nói về lợi ích của sách. Phần này em làm không được tốt”.
Tuy vậy, cũng có nhiều TS rất thích cách ra đề thi môn Ngoại ngữ. TS Nguyễn Phúc Hậu (Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, tỉnh Bến Tre) nhận xét:
Đề thi dài nhưng không khó lắm. Em thích một số câu hỏi trong đề thi có liên quan đến vấn đề thời sự, như câu hỏi về VĐV bơi lội Ánh Viên. Câu hỏi về lợi ích của sách cũng rất hay và mang tính thời sự.
RA ĐẾN CỔNG TRƯỜNG THI
Cũng như trong sân trường, cổng trường thi cũng “nóng” lên khi TS đầu tiên bước ra khỏi cổng trường. Các phụ huynh vừa “ngóng” con mình, vừa tranh thủ hỏi thăm các TS vừa bước ra khỏi cổng trường về tình hình “bên trong”.
Chị Nguyễn Thị Nhánh (xã An Hữu, huyện Cái Bè) nói: “Từ sáng giờ tôi ngồi ở đây đợi, không biết con làm bài thế nào mà giờ này cũng chưa ra. Càng thấy TS thi xong ra khỏi cổng nhiều, tôi càng hồi hộp”. Cũng như chị Nhánh, nhiều phụ huynh đứng suốt trước cổng trường “ngóng” con ra với tâm trạng hết sức lo lắng. Nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe các TS nói “đề thi không khó”.
Sáng 1-7, tại cụm thi liên tỉnh (do Trường Đại học Tiền Giang chủ trì), 21.637/21.776 TS dự thi môn Toán (tỷ lệ 99,36%). Tại cụm thi tỉnh (do Sở GD-ĐT chủ trì), có 1.252/1.272 TS dự thi môn Toán (tỷ lệ 98,43%). Chiều 1-7, tại cụm thi liên tỉnh, có 10 điểm thi không có TS dự thi (do các TS được phép thi môn thay thế môn Ngoại ngữ), vì vậy chỉ có 14.606/14.684 TS dự thi môn Ngoại ngữ (tỷ lệ 99,47%). Tại cụm thi tỉnh, 715/724 TS đã dự thi môn Ngoại ngữ (tỷ lệ 98,76%). Sáng 2-7, tại cụm thi liên tỉnh, có 21.938/22.063 TS dự thi môn Ngữ văn (tỷ lệ 99,43%). Tại cụm thi tỉnh, 1.220/1.243 TS đã dự thi môn Ngữ văn (tỷ lệ 98,15%). |
Chú Nguyễn Quang Bình (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Nghe đề thi không khó là mừng rồi, hy vọng con tôi sẽ làm được. Tôi không được học nhiều nên tất cả hy vọng được gia đình dồn vào “nó”. Từ hôm qua đến nay, buổi nào tôi cũng lo hết, chỉ khi nghe con nói làm bài được tôi mới có thể tạm yên tâm”.
Tại các cổng trường thi, ngoài các bậc phụ huynh, một lực lượng là sinh viên và nhân viên của một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề… trong và ngoài tỉnh đến để giới thiệu về trường cho các TS.
Mỗi TS ngay khi rời khỏi cổng trường đã được nhận ngay các tờ rơi giới thiệu về trường, cũng như các ngành tuyển. Hầu như các TS cũng rất thích cách giới thiệu này.
TS Nguyễn Ánh Nguyệt nói: “Thật ra, đến thời điểm này em chỉ định hướng được khối thi, chứ chưa suy nghĩ kỹ là sẽ xin học ngành nào. Biết thêm các ngành học của các trường thì càng tốt để có thêm cơ hội lựa chọn…”. Tuy nhiên, cũng có nhiều TS không quan tâm chuyện này vì đã lựa chọn sẵn ngành học và trường, chỉ cần có điểm thi là sẽ nộp đơn nên không muốn bị “rối” trước những thông tin mới.
MINH CHÂU