Thứ Năm, 30/07/2015, 13:23 (GMT+7)
.

Xây dựng nhiều mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" tiêu biểu

Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội Khuyến học tỉnh đã có kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”. Các mô hình được triển khai tập trung tại 3 địa phương: TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông và huyện Cái Bè.

Theo đánh giá ban đầu, việc triển khai thực hiện khá thuận lợi, một số nơi đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu.

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè) là 1 trong 3 xã được huyện Cái Bè chọn làm điểm để triển khai xây dựng các mô hình trên. Trên cơ sở các tiêu chí, xã đã chọn được 35 hộ làm điểm để xây dựng mô hình “Gia đình học tập”; 5 dòng họ (tại 5 ấp) làm điểm để xây dựng “Dòng họ học tập”; 2 ấp làm điểm để xây dựng “Cộng đồng học tập” và 1 đơn vị làm điểm để xây dựng “Đơn vị học tập”. Trong các mô hình trên, nổi bật nhất là mô hình “Cộng đồng học tập” trên địa bàn ấp Mỹ Thạnh.

Mỹ Thạnh được công nhận danh hiệu ấp văn hóa từ năm 2001 và đã đăng ký xây dựng khu dân cư hiếu học từ năm 2012. Đây là 2 điều kiện thuận lợi để ấp tiến hành thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập”.

Ông Phan Văn Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: “Sau khi đăng ký xây dựng mô hình, chúng tôi đã tiến hành thành lập Ban vận động (do Bí thư chi bộ ấp làm Trưởng ban) và thành lập 10 tổ khuyến học. Các thành viên trong Ban vận động và tổ khuyến học tổ chức điều tra, nắm bắt thông tin về tình hình học tập của trẻ em trong độ tuổi đi học cũng như nhu cầu học tập của người lớn trong từng gia đình.

Sau đó tổ chức tuyên truyền cho mọi người hiểu được lợi ích của việc học; giới thiệu, hướng dẫn người lớn các phương pháp học tập, tiếp thu tri thức, tiếp cận khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ để trẻ em và người lớn đến trường…”.

Kết quả, các học sinh nghèo của ấp được hỗ trợ tích cực từ các nguồn quỹ khuyến học; cha mẹ quan tâm hơn đến việc học của con em trong gia đình, tự nâng cao kiến thức bản thân và có lối sống tốt hơn; nhiều hộ nông dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập cho gia đình; tình hình an ninh trật tự được ổn định hơn…

Trường THCS Tân Mỹ Chánh là một trong những “Đơn vị học tập” tiêu biểu của TP. Mỹ Tho. Ngay từ khi triển khai xây dựng mô hình, các giáo viên của trường luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức: Tự bồi dưỡng chuyên môn; dự giờ, rút kinh nghiệm từ các tiết dạy của đồng nghiệp; tích cực tìm tài liệu phục vụ việc giảng dạy…

Ngoài ra, các giáo viên chú ý quan tâm, động viên và hỗ trợ học sinh của trường trong học tập, khuyến khích các em tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Các thầy cô cũng luôn quan tâm đến các học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, luôn tìm cách giúp đỡ nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Đặc biệt, trường còn nỗ lực hỗ trợ xã trong việc xây dựng xã hội học tập để xã vươn lên đạt chuẩn phổ cập THCS (từ năm 2003) và giữ vững chuẩn này trong nhiều năm nay, thiết lập cơ sở vững chắc cho việc học tập suốt đời của nhân dân trong xã.

HỌC TỪ GIA ĐÌNH ĐẾN XÃ HỘI

Bà Đồng Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: “Để triển khai thực hiện các mô hình thí điểm, chúng tôi đã có bước chuẩn bị rất kỹ. Trước tiên, tổ chức góp ý Bộ tiêu chí; lập đoàn khảo sát đến các huyện, thành, thị (dự định chọn thí điểm) và lấy ý kiến về xây dựng các mô hình. Sau đó mới chọn xét và tiến hành xây dựng”.

Các địa phương được chọn làm thí điểm là những địa phương thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài khá tốt và có nhiều nhân tố tích cực trong công tác này. Cụ thể: TP. Mỹ Tho chọn phường 4 và xã Tân Mỹ Chánh làm điểm; huyện Gò Công Đông chọn thị trấn Tân Hòa, xã Bình Ân, xã Bình Nghị làm điểm và huyện Cái Bè chọn xã Hậu Mỹ Phú, Mỹ Đức Tây và Tân Hưng làm điểm.

Kết quả, sau một thời gian triển khai thực hiện, đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu như: Tại phường 4, TP. Mỹ Tho (trên 3 khu phố 1, 2 và 4) có 30/30 gia đình, 6/6 dòng họ, 3/3 khu phố và 2/2 đơn vị; xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho (ấp Tân Tỉnh và ấp Bình Phong) có 961/1.103 gia đình, 5/5 dòng họ, 2/2 ấp và 4/4 đơn vị đạt các tiêu chí “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

Tương tự, một số ấp tại các xã Hậu Mỹ Phú, Mỹ Đức Tây, Tân Hưng (huyện Cái Bè); thị trấn Tân Hòa, xã Bình Ân, xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) cũng có 100% dòng họ đã đăng ký đạt tiêu chí “Dòng họ học tập”, 100% ấp và 100% đơn vị đạt tiêu chí “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.

Theo đánh giá ban đầu, các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” đã được triển khai thực hiện thí điểm tuy chưa thật hoàn hảo nhưng có thể nói đây là những mô hình hay, xứng đáng được duy trì và nhân rộng.

Tuy vẫn còn một số khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí như: “Yêu cầu gia đình có quỹ khuyến học bằng nhiều hình thức, sách báo, các phương tiện cần thiết phục vụ học tập” (không phải gia đình nào cũng có điều kiện); quỹ khuyến học của dòng họ lớn, hoạt động tích cực, hiệu quả (khó xác định hiệu quả); các gia đình, dòng họ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng (khó xác định tỷ lệ để công nhận…), nhưng nhìn chung các “gia đình”, “dòng họ”, “cộng đồng”, “đơn vị” đều bảo đảm thực hiện tốt các tiêu chí đã đặt ra. Đặc biệt, các mô hình đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng một xã hội học tập đúng với yêu cầu của Đảng và Nhà nước đặt ra hiện nay.

MINH CHÂU

.
.
.