Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang nâng cao chất lượng đào tạo
Từ một trường dạy nghề được nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề, rồi Trường Cao đẳng Nghề. Mỗi niên học trôi qua, trường ngày càng hoàn thiện hơn. Sau gần 15 năm thành lập, trường đã được Bộ LĐ-TB&XH công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (KĐCL) dạy nghề, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh và học sinh.
Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang đón nhận Bằng công nhận kiểm định chất lượng. |
TỪNG BƯỚC NÂNG CHẤT
Tháng 3-2002, Trường Dạy nghề Tiền Giang chính thức được thành lập. Đến tháng 1-2007, trường được nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề Tiền Giang (theo Quyết định 422/QĐ-UBND ngày 23-1-2007 của UBND tỉnh Tiền Giang) và đến tháng 6-2010 trường chính thức trở thành Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang (theo Quyết định 799/QĐ-LĐTBXH, ngày 28-6-2010 của Bộ LĐ-TB&XH).
Số cán bộ, viên chức (CB-VC) của trường được nâng lên hàng năm. Lúc mới thành lập, trường chỉ có 33 CB-VC, đến nay lên đến 143 CB-VC. Song song đó, chất lượng CB-VC cũng được nâng lên. Đến nay, nhà trường có 86,7% CB-VC có trình độ đại học, 11,7% giáo viên (GV) cơ hữu có trình độ thạc sĩ, 11,7% GV cơ hữu đang học cao học, 4 GV được công nhận danh hiệu GV dạy giỏi cấp Quốc gia, 22 giáo viên được công nhận danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh. Trường đã 3 lần liên tiếp đoạt giải Nhất toàn đoàn trong các kỳ hội giảng cấp tỉnh vào các năm 2008, 2010 và 2012 (định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần).
Hiện trường được phép đào tạo 19 nghề từ trình độ sơ cấp trở lên, trong đó có 13 nghề đào tạo trình độ cao đẳng theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề 14/2013/CNĐKHĐ-TCDN ngày 5-4-2013 của Tổng cục Dạy nghề.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của người học; thiết lập được mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... để các em có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nên nhu cầu học tập nâng cao tay nghề của người học ngày càng tăng. Do đó, ngoài việc đào tạo chính quy tại trường, Ban Giám hiệu nhà trường còn thực hiện nhiều phương thức tổ chức đào tạo khác như: Đào tạo tại doanh nghiệp, dạy nghề thường xuyên, bồi dưỡng tay nghề, đào tạo liên thông, liên kết đào tạo với các trung tâm dạy nghề và các trường trung cấp Nghề trong, ngoài tỉnh.
Cụ thể, trong các năm qua nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp mở lớp bồi dưỡng và xác định bậc thợ cho người lao động; mở các lớp dạy sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng, điện công nghiệp, cơ khí, uốn tóc... Trường cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề (bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2013 - 2014) với các nghề như: Điện công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ ôtô…
Ngoài ra, trường cũng đã liên kết với Trung tâm Dạy Nghề huyện Chợ Gạo để đào tạo trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; liên kết với Trường Trung cấp Nghề tỉnh Trà Vinh đào tạo nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí hệ cao đẳng nghề…
Thực hiện đào tạo tại trường kết hợp với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp (nhằm tạo điều kiện cho sinh viên - học sinh (SV-HS) có cơ hội tiếp cận với thực tế sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp, bổ sung kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp), trường đã tạo được mối liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, hàng năm trường đều được các doanh nghiệp mời và đề nghị cử SV-HS đến thực hành, thực tập. Nhiều SV-HS đã được các doanh nghiệp nhận vào làm chính thức sau các đợt thực tập.
GIỮ VỮNG CHẤT LƯỢNG
Để đạt chuẩn KĐCL, trường phải đạt các tiêu chí: Mục tiêu và nhiệm vụ; tổ chức và quản lý; hoạt động dạy và học; GV và cán bộ quản lý; chương trình, giáo trình; thư viện; cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học; quản lý tài chính; các dịch vụ cho người học nghề…
Mỗi tiêu chí này có các tiêu chuẩn khác nhau. Đánh giá đúng yêu cầu của 50 tiêu chuẩn trong 9 tiêu chí KĐCL, nghĩa là đánh giá đúng thực trạng toàn bộ các hoạt động chung của trường về các mặt: Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự và hiệu lực quản lý; hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các điều kiện để bảo đảm chất lượng cho các hoạt động chung của trường…
Nói chung, để đạt chuẩn KĐCL, trường phải cố gắng rất nhiều. Cụ thể, hàng năm căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn của KĐCL dạy nghề, nhà trường đã thực hiện tự kiểm định để rà soát và đánh giá, phân tích những điểm mạnh, những tồn tại tương ứng với từng tiêu chí, tiêu chuẩn. Từ đó đề ra các kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả những mặt mạnh, mặt tốt và khắc phục kịp thời những tồn tại…
TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “KĐCL dạy nghề là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường nghề, thể hiện tính chuyên nghiệp, “đẳng cấp” của một trường nghề chất lượng cao. Đây là một trong những hoạt động gắn liền với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được thực tiễn nhu cầu thị trường lao động.
Công tác tự kiểm định và KĐCL là công cụ hữu hiệu bảo đảm chất lượng đào tạo, giúp cơ sở dạy nghề tự đánh giá và hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố cho xã hội biết vị thế của cơ sở dạy nghề trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp.
Qua thực hiện các tiêu chí về KĐCL, hoạt động đào tạo của trường cũng sẽ từng bước được cải tiến, chất lượng đào tạo của trường được nâng lên rõ rệt, từng bước khẳng định vị thế của trường trong hệ thống dạy nghề của cả nước”. TS. Phạm Châu Long khẳng định: “Thành quả hôm nay chính là động lực để trường phấn đấu đạt được nhiều thành quả hơn nữa để không phụ lòng tin của mọi người”.
MINH CHÂU