Thứ Hai, 31/08/2015, 14:39 (GMT+7)
.

Vinh danh các nhà sáng tạo "nhí"

Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh (gọi tắt là Liên hiệp hội) vừa phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở KH-CN và Tỉnh đoàn tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ VIII, năm 2014 - 2015 (Báo Ấp Bắc số trước đã đưa tin).

HUỲNH LÊ MINH AN (lớp Lá 3, Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho): Với mô hình “Bàn cờ trí tuệ”

Huỳnh Lê Minh An là thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi, đã giành giải Nhất với mô hình “Bàn cờ trí tuệ”.
Minh An cho biết: “Con rất thích chơi chung với các bạn, vì trò chơi của ai nấy chơi thì buồn lắm. Con đã nói với ba mẹ và cô giáo là con chỉ thích làm những trò chơi mà con và các bạn cùng chơi chung với nhau. Mô hình “Bàn cờ trí tuệ” đã đáp ứng yêu cầu đó. Với mô hình này, con đã có thể chơi chung với 3 - 4 bạn”.

Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở KH-CN trao giải Nhất cho em Huỳnh Lê Minh An.
Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở KH-CN trao giải Nhất cho em Huỳnh Lê Minh An.

“Bàn cờ trí tuệ” có thiết kế là hình hộp chữ nhật. Mặt ngoài là bàn cờ ô ăn quan được cải biên gồm 4 bạn chơi. Mặt trong được chia thành 4 ô vuông, mỗi ô vuông được thiết kế 1 trò chơi tương ứng: Trò giải mã, trò tương ứng, trò tương phản, trò xếp theo quy luật.

Theo Ban giám khảo, trò chơi “Bàn cờ trí tuệ” giúp các em rèn luyện sự khéo léo của đôi tay, óc sáng tạo, sự nhanh nhạy, kiên trì. Trò chơi này còn giúp các em học đếm, phân biệt màu sắc, hình học, hiểu hơn về những từ ngữ, sự vật, trái nghĩa, đối lập nhau…

Cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên của Minh An cho biết: “Từ ý tưởng của Minh An, các cô trong lớp bàn và cùng với phụ huynh hướng dẫn Minh An tự làm ra đồ chơi mà em mong muốn. “Bàn cờ trí tuệ” giúp các em vừa học vừa chơi, tăng trí nhớ, sự sáng tạo và óc tưởng tượng”.

NHÓM TÁC GIẢ HUỲNH NGỌC KIỀU TRANG VÀ HUỲNH NGỌC THIÊN HƯƠNG (Lớp 6, Trường THCS Võ Văn Chỉnh, huyện Gò Công Đông): Với bộ sưu tập “Cuộc sống mới cho vật liệu phế thải”

Huỳnh Ngọc Kiều Trang và Huỳnh Ngọc Thiên Hương là chủ nhân của giải Nhất ở lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Em Huỳnh Ngọc Kiều Trang và Huỳnh Ngọc Thiên Hương.
Em Huỳnh Ngọc Kiều Trang và Huỳnh Ngọc Thiên Hương.

Cùng học chung một lớp, Kiều Trang và Thiên Hương là đôi bạn thân, đều học  giỏi. Kiều Trang cho biết: “Em và Thiên Hương có cùng chung ý tưởng tận dụng những thứ bỏ đi để làm đồ chơi hoặc những vật dụng có ích cho cuộc sống. Ngoài giờ học, chúng em đi nhặt những chai nhựa, ống hút, que kem, tạp chí cũ… rồi mày mò làm những vật dụng mà mình thích, vừa không tốn tiền mua, lại bảo vệ được môi trường”.

Kiều Trang và Thiên Hương đã khéo léo làm ra những vật dụng xinh xắn, lạ mắt và độc đáo, nhìn vào mọi người sẽ không ngờ rằng nó được làm từ những vật liệu phế thải. Bộ sưu tập “Cuộc sống mới cho vật liệu phế thải” của Kiều Trang và Thiên Hương gồm 18 sản phẩm được đánh số thứ tự. Mã số 1: Bát đựng có nắp đậy, có nguồn góc từ giấy báo cũ, có tác dụng đựng những vật dụng. Mã số 2: Bộ dựng có dây kéo, có nguồn gốc từ chai nhựa, dùng để dựng dụng cụ cho bé đi nhà trẻ. Hay mã số 14, 15 là lọ cắm hoa các dạng có nguồn gốc từ chai nhựa cũ, nút áo, ống hút…

Thiên Hương chia sẻ: “Những vật dụng mà 2 em làm có thể dùng trang trí bàn làm việc, bàn học, làm quà tặng… Em và Kiều Trang dự định sẽ làm thêm nhiều vật dụng có ích từ những vật liệu phế thải”.

NHÓM TÁC GIẢ LÊ HOÀNG TRÚC VÀ GIANG MINH ĐẶNG

(Trường THPT Chuyên Tiền Giang): Với mô hình “Mạch điện tự động hóa đa năng”

Hoàng Trúc và Minh Đặng tuy không học chung lớp (Hoàng Trúc học sau Minh Đặng 1 lớp), nhưng cả 2 cùng học chuyên Lý và cùng đam mê sáng tạo. Hoàng Trúc vui vẻ cho biết: “Một dịp tình cờ em và anh Minh Đặng quen biết nhau. Nhận thấy cả 2 có chung sở thích làm ra những vật dụng mà có thể điều khiển từ xa, thế là 2 anh em quyết tâm cùng làm mô hình “Mạch điện tự động hóa đa năng” để dự thi và không ngờ đã vinh dự đoạt giải Nhất”.

Em Lê Hoàng Trúc.
Em Lê Hoàng Trúc.

“Mạch điện tự động hóa đa năng” dùng sóng vô tuyến 3G thay cho sóng hồng ngoại để điều khiển các thiết bị điện. Trên mạch điện tự động này, Hoàng Trúc và Minh Đặng đã tích hợp 3 mạch điện là: Mạch điện đèn quảng cáo, mạch báo trộm và mạch các thiết bị điện gia dụng. Các mạch điện sẽ tắt - mở một cách thuận tiện, được cài đặt mặc định trên điện thoại.

Hoàng Trúc cho biết thêm: “Em và anh Minh Đặng làm mô hình này mất khoảng 4 tháng. Có lần, 2 anh em dành cả ngày đi khắp chợ Nhật Tạo, TP. Hồ Chí Minh để tìm mua các thiết bị nhằm tiếp tục nâng cấp mô hình, tích hợp nhiều mạch điện hơn, làm sao người sử dụng ở một chỗ mà vẫn có thể điều khiển những vật dụng ở xa và cao, vừa thuận tiện vừa tránh rủi ro cho người sử dụng”.

Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi, triển vọng của mạch điện này có thể ứng dụng trên nhiều mô hình khác như: Trong nông nghiệp (mô hình tưới tiêu tự động…), y tế (xe lăn điện), giáo dục (các thiết bị điện hỗ trợ giảng dạy)…

P. MAI

.
.
.