Thứ Sáu, 16/10/2015, 05:35 (GMT+7)
.
Những dấu ấn qua 5 năm thực hiện Nghị quyết IX, Đảng bộ tỉnh

Đổi mới, phát triển GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng

Chặng đường 5 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang phát triển cả về quy mô, chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ học sinh hoàn thành các cấp học đạt khá, giỏi và thi đỗ vào các trường đại học tăng lên hàng năm; kỷ cương, nền nếp được giữ vững… Những kết quả đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ Sở GD-ĐT trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn ngành trong nhiệm kỳ qua.

Mạng lưới trường lớp phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Ảnh: Duy Nhựt
Mạng lưới trường lớp phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Ảnh: Duy Nhựt

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT của tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các ngành học, bậc học, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận trình độ phát triển của khu vực và trên thế giới. Thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Củng cố mạng lưới trường học, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục.

Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục vì mục tiêu giáo dục cho mọi người…

Thể hiện sự đổi mới của ngành GD-ĐT dễ nhận thấy nhất trong những năm qua, đó là mạng lưới trường lớp phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Hiện toàn tỉnh có 186 trường mầm non và mẫu giáo; 388 trường phổ thông; 3 trường trung cấp nghề; 1 trường cao đẳng nghề; 5 trường trung cấp chuyên nghiệp; 1 trường đại học; 1 trường cao đẳng và nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng…

Hiện nay, trong toàn tỉnh có 132 trường đạt chuẩn Quốc gia (17 trường mầm non, 92 trường tiểu học, 19 trường THCS và 4 trường THPT). Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nhất là tập trung đầu tư sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và dạy học ở các trường.

Song song với hệ thống trường lớp phát triển đồng bộ, đúng hướng, chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, nhất là giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cho sinh viên, học sinh. Ở các ngành học, bậc học tỷ lệ học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi và xếp loại hạnh kiểm tốt mỗi năm học đều tăng dần; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể.

Một thành tích đáng trân trọng, đó là hàng năm số lượng học sinh ở Tiền Giang trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bình quân 8.000 học sinh/năm, là tỉnh có số lượng học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật, Cuộc thi “Đường đến vinh quang”, Violympic toán…, học sinh của Tiền Giang đều đạt kết quả cao, thể hiện truyền thống hiếu học vốn có của người dân Tiền Giang từ bao đời nay…

Theo Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, Đảng bộ sở luôn quan tâm lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và giáo viên, thường xuyên thông tin thời sự kịp thời, tổ chức trao đổi sinh hoạt chuyên đề, học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh để vận dụng vào quá trình công tác, nhất là các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến ngành GD-ĐT; đồng thời thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chuyên đề hàng năm.

Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, trong sinh hoạt định kỳ, Đảng ủy Sở GD-ĐT đã xây dựng nội dung công tác sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời điểm gắn với khắc phục những hạn chế, tồn tại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đảng ủy Sở GD-ĐT luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong mọi hoạt động của ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.

Hiện nay, ngành GD-ĐT của tỉnh cơ bản có đủ giáo viên cho các bậc học, 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó có đến 40% đạt trình độ trên chuẩn; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng lên cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ.

Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở bước đầu đem lại hiệu quả; giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực; giáo dục trình độ đại học, cao đẳng cơ bản chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đào tạo liên thông; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý thuyết với thực hành; tập trung công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường Đại học Tiền Giang; giáo dục ở các trường chuyên nghiệp từng bước chú trọng đến việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.

Đảng bộ Sở GD-ĐT xác định những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, đó là: Tiếp tục mở rộng quy mô phát triển giáo dục phù hợp với cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng theo quy hoạch, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung giáo dục nhằm hình thành phẩm chất, năng lực, phát triển tư duy, trí tuệ và khả năng sáng tạo của người học. Tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng tiếp cận với trình độ phát triển trong nước và quốc tế trên cả 3 mặt: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Đẩy mạnh tiến độ phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện đồng bộ việc tăng cường đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với việc đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Thường xuyên củng cố, phát triển để đạt chuẩn phổ cập giáo dục vững chắc.

LÊ HUỲNH

.
.
.