Trường TH Mỹ Lợi A: Giáo dục biển, đảo trong khuôn viên trường
Ban Giám hiệu của một ngôi trường vùng sâu, vùng xa đã nghĩ ra cách giáo dục học sinh bằng hình thức trực quan sinh động về biển, đảo Việt Nam. Hình thức này đã giúp thầy cô, học sinh và phụ huynh của trường nắm rõ hơn và nhớ lâu hơn về biển, đảo Việt Nam. Đó là Trường Tiểu học Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè). Hình thức giáo dục rất riêng này là đường nội bộ và sân trường đều mang tên biển, đảo quê hương.
Học sinh của Trường Tiểu học Mỹ Lợi A ôn lại kinh độ, vĩ độ của quần đảo Trường Sa đặt tại sân trường. |
Bước qua cổng Trường Tiểu học Mỹ Lợi A là mọi người thấy ngay cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa nằm sừng sững giữa sân trường. Các con đường trong khuôn viên nhà trường cũng đều mang tên các hòn đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam…
Cô Phạm Thị Phương Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi tham quan một vòng khuôn viên trường và cho biết: “Từ ngoài cổng đi vào khuôn viên trường sẽ gặp con đường mang tên quần đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) dẫn vào trường và đường quần đảo Trường Sa (tỉnh Khành Hòa) ở bên phải.
Con đường dẫn xuống căn tin có tên hòn đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng). Đảo Nam Du (thuộc tỉnh Kiên Giang) cũng được Ban Giám hiệu nhà trường đặt tên cho con đường từ căn tin dẫn vào sân trường. Con đường mang tên huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) ở giữa khuôn viên sân trường phía bên phải.
Phía bên phải ở cuối khuôn viên trường là con đường Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 2 con đường trong sân trường là đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông (thuộc quần đảo Trường Sa). Chính giữa sân trường dựng cột mốc quần đảo Trường Sa được đặt cạnh cột cờ Tổ quốc…”.
Cùng lúc đó, học sinh lớp 41 của trường được giải lao giữa giờ. Một nhóm bạn rủ nhau lại ghế đá trên đường Bạch Long Vĩ trò chuyện, nhóm khác rủ nhau qua đường Nam Du nhảy dây, nhóm nam thì rủ nhau lại đường Côn Đảo bắn bi…
Em Ngô Yến Như, học lớp 41 của trường tâm sự: “Trước đây, em chỉ được nghe nói đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam qua truyền hình, sách báo. Khi nhà trường đặt tên một số hòn đảo, quần đảo cho các con đường trong khuôn viên nhà trường đã giúp chúng em hiểu hơn, nhớ lâu hơn về biển, đảo quê hương…”.
Thấy nhóm bạn lớp 41 khác rủ nhau đến đường Côn Đảo ngồi chơi, chúng tôi hỏi: Các em có biết Côn Đảo thuộc tỉnh nào không? Em Ngô Phương Thùy đã trả lời rất rành mạch: “Thưa chú, đảo đó thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi chị Võ Thị Sáu bị quân giặc giam cầm, tra tấn và xử bắn”. Hỏi thêm: Em có biết quần đảo Trường Sa có kinh độ và vĩ độ bao nhiêu không? Em Thùy trả lời tiếp: “Dạ, vĩ độ: 08038’30”, kinh độ: 111055’55” ạ!”.
Cô Phạm Thị Phương Hà ôn lại lịch sử hòn đảo Song Tử Đông cho các em học sinh. |
Em học thuộc lòng sao mà trả lời nhanh vậy? - tôi hỏi. Em Thùy nói: “Dạ, không phải em học thuộc lòng, mà được nghe thầy cô ở trường nói nhiều về các đảo này và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Mặt khác, những khi ra chơi, chúng em thường rủ nhau đến những con đường mang tên các hòn đảo, quần đảo để đố nhau, riết rồi tụi em nhớ mà không cần học”.
Một giáo viên trẻ của trường cho biết: “Từ khi nhà trường lấy tên các quần đảo, hòn đảo của nước mình đặt tên cho các con đường trong khuôn viên trường, giáo viên trẻ như tụi em cảm thấy mình lúc nào cũng được “kề vai, sát cánh” với các anh chiến sĩ, người dân sống trên đảo. Điều này thật bổ ích cho thế hệ trẻ chúng em”.
Cô Phạm Thị Phương Hà tâm sự: “Giáo dục học sinh bằng trực quan sinh động về chủ quyền biển, đảo giúp các em dễ nhớ, in sâu vào tâm trí. Hàng tuần, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, Ban Giám hiệu nhà trường đều dành thời gian ôn lại những hòn đảo trên giúp các em nhớ kỹ hơn. Nếu không có thời gian thì Ban Giám hiệu giao thầy cô trong giờ giải lao phải dành thời gian yêu cầu các em đến các con đường đặt tên đảo để ôn lại”.
Cô Phạm Thị Phương Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lợi A cho biết, trường có 26 lớp, với 953 học sinh, trong đó có 5 lớp Một, 5 lớp Hai, 5 lớp Ba, 5 lớp Bốn và 6 lớp Năm. Trường đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1 vào năm 2011. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc tuyên truyền biển, đảo đến tất cả các em học sinh, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Mỹ Lợi A đã nghĩ ra nhiều cách để làm sao các em nắm bắt được chủ quyền biển, đảo một cách chính xác và nhớ lâu hơn, trong đó Ban Giám hiệu có họp bàn, đi tham quan một số nơi để học hỏi kinh nghiệm từ một số tỉnh bạn và áp dụng cho trường mình.
Thầy Nguyễn Sơn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã đặt cho 8 con đường trong trường mang tên các hòn đảo, quần đảo là: Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vĩ, Nam Du, Phú Quốc, Côn Đảo, Song Tử Tây, Song Tử Đông và 1 cột mốc quần đảo Trường Sa, kinh phí thực hiện lấy từ nguồn hoạt động thường xuyên”.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Mỹ Lợi A đang nghĩ tới việc đặt tên một số hòn đảo cho các cầu thang và các hành lang trên các dãy lầu của trường. Sắp tới, nhà trường còn tính đến việc đặt tên các hòn đảo, quần đảo cho tất cả lớp học.
SĨ NGUYÊN