Thứ Tư, 18/11/2015, 13:36 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN HỒNG OANH, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT:

Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo

Trong thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục đã có những đóng góp quan trọng. 

 Ngành GD-ĐT đã và sẽ làm gì để xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”? Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: 

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, hiện toàn tỉnh có 585 trường, trong đó có 143 trường đạt chuẩn Quốc gia. Song song đó, đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng chất, hiện có gần 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó 69% có trình độ trên chuẩn.
 
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới giáo dục cả nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trong các trường theo hướng tinh giản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy, sử dụng bài giảng e-learning, thư viện điện tử… Qua đó chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh học lực yếu giảm, học sinh có học lực khá, giỏi tăng đáng kể ở tất cả các cấp học… 
 
 * PV: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT (sau đây gọi là Nghị quyết 29-NQ/TW) đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có việc khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều “thầy đọc, trò ghi”. Ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã và sẽ làm gì để thực hiện tốt giải pháp này, thưa ông? 
 
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Sở GD-ĐT đã chủ động, tích cực thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, gắn hoạt động dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học.
 
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng; thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng giáo dục (trong đó tăng cường triển khai việc tự đánh giá, nhất là việc đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên); thực hiện cơ chế học sinh tham gia đánh giá hoạt động GD-ĐT, giáo viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cơ sở GD-ĐT tham gia đánh giá cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT…
 
Để triển khai thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện về GD-ĐT theo Nghị quyết  29-NQ/TW, ngành GD-ĐT tỉnh chọn giải pháp đột phá là tập trung đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Theo đó, ngành đã và sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và GV toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp cho phù hợp; kịp thời bổ sung, điều chuyển hợp lý cán bộ quản lý và GV ở những vùng khó khăn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao đạo đức, nâng chuẩn nghề nghiệp  bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.
 
Đặc biệt, ngành đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ quản lý giáo dục, GV.
 
* PV: Ngành còn có những giải pháp gì để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, GV “vừa hồng, vừa chuyên”?
 
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ GD-ĐT.
 
Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, minh bạch chế độ thâm niên nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập, thực hiện việc nâng lương trước thời hạn theo quy định mới, thực hiện chế độ ưu đãi cho cán bộ, GV, nhân viên công tác ở vùng bãi ngang ven biển, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ở các trường chuyên biệt… 
 
Ngành thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, 100% GV các cấp học, bậc học đạt chuẩn đào tạo; hầu hết đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
 
 Phong trào áp dụng và viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu khoa học được các GV hưởng ứng nhiệt tình. Phong trào học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu để trở thành GV dạy giỏi ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
 
*PV: Hiện nay, vấn đề đạo đức người thầy đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít GV vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngành có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
 
* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Trong xu thế đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, lấy người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục, đòi hỏi người thầy phải luôn luôn cập nhật kiến thức, nâng cao khả năng chuyên môn và có phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng. Ngoài năng lực chuyên môn, điều quan trọng trong quá trình giáo dục chính là phẩm chất người thầy. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một tấm gương sáng để học sinh noi theo.
 
Trong những năm qua, ngành GD-ĐT thường xuyên giới thiệu những tấm gương GV vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công tác bồi dưỡng GV hoặc sinh hoạt chuyên môn tại các nhà trường, ngành đã quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp để mỗi GV có đủ đức lẫn tài. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ít CB, GV bị cuốn theo lối sống thực dụng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngành đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những GV kém đức, kém tài, vi phạm pháp luật. 
 
Để chấn chỉnh tình trạng trên, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân GV, cần sự chung tay phối hợp và “vào cuộc” của toàn xã hội.
 
* PV: Xin cảm ơn ông!
 
MINH CHÂU (thực hiện)

 

.
.
.