Hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật kỳ thi quốc gia 2016
Ngày 16-12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 6 đầu cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ để lấy ý kiến đóng góp của các sở GD-ĐT trên cả nước cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Các ý kiến nghị Bộ GD-ĐT nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015, đồng thời có hướng khắc phục những điểm hạn chế về đề thi, phần mềm quản lý thi, điểm ưu tiên…
Những điểm hạn chế
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2015 có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó 72% thí sinh dự thi cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 28% thí sinh thi tại cụm thi địa phương do sở GD-ĐT chủ trì.
Kết quả chấm thi cho thấy, điểm trung bình của 8 môn thi của thí sinh thi ở cụm thi địa phương đều thấp hơn điểm thi trung bình của thí sinh dự thi ở các cụm thi liên tỉnh. Trong đó, điểm thi của thí sinh ở các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ thấp hơn so với mặt bằng chung.
Theo đánh giá chung, kỳ thi THPT quốc gia 2015 ngoài những ưu điểm thì vẫn còn một số hạn chế như: công tác tổ chức thi ở một số điểm thi thuộc cụm thi địa phương còn có biểu hiện của việc coi thi chưa nghiêm túc, kết quả thi ở những điểm thi này chưa phản ánh đúng thực chất, không phù hợp với tương quan về điểm số chung giữa cụm thi liên tỉnh và cụm thi địa phương.
Công tác truyền thông chưa tốt nên dẫn đến thí sinh ở vùng sâu, vùng xa chưa hiểu hết việc đăng ký dự thi, xét tuyển, chưa xác định đúng điểm ưu tiên. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT không tổ chức họp báo kịp thời để giải thích, định hướng rõ ràng.
Thời gian quy định xét tuyển 20 ngày là quá dài làm cho thí sinh và phụ huynh lo lắng. Cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung trong khi việc xét tuyển lại diễn ra ở các trường dẫn đến có sự bất cập cho cả nhà trường lẫn thí sinh khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016
Để chuẩn bị cho phương án tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2016, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 3 hội thảo trong tháng 11 để lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT trên cả nước. Trên cơ sở ý kiến của cả nước, Bộ GD-ĐT thống nhất năm 2016 duy trì kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ như năm 2015.
Về tổ chức cụm thi, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nên tiếp tục duy trì 2 loại cụm thi như năm 2015. Góp ý cho cụm thi, các đại biểu cho rằng cần điều chỉnh cho thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi lựa chọn. Các tỉnh có điều kiện khó khăn, có thể đặt các điểm thi kể cả các điểm thi do các trường ĐH chủ trì. Đồng thời giữa các sở GD-ĐT và các trường ĐH cần có sự phối hợp chặt chẽ để công tác tổ chức được tốt hơn (mỗi phòng thi nên có 1 cán bộ coi thi là giảng viên ĐH).
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, cho rằng tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia số lượng ngày thi nên 4 ngày để đảm bảo cơ hội thi cho thí sinh. Ngày thi đầu tháng 6 là tốt nhất để các sở có điều kiện tổ chức thi xét tuyển lớp 10. Bên cạnh đó, ông Đạt cũng kiến nghị bổ sung nâng cấp hoàn thiện phần mềm quản lý thi, nên quyết định sớm về kỳ thi, tốt nhất là trước Tết Nguyên đán.
Về điểm ưu tiên (ưu tiên đối tượng và khu vực), nhiều ý kiến cho rằng điểm ưu tiên giữa hai nhóm đối tượng như hiện nay là chưa phù hợp. Chính điều này sẽ tạo tâm lý về sự thiếu công bằng do khoảng chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng lớn (mức chênh lệch lớn nhất giữa thí sinh được ưu tiên và thí sinh không được ưu tiên là 3,5 điểm). Trong khi đó, số điểm dành cho các câu hỏi phân hóa cao ở kỳ thi THPT quốc gia giảm khoảng 50% so với các năm trước.
Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến cho rằng nên duy trì mức điểm ưu tiên để đảm bảo tính ổn định và nhất quán về chế độ chính sách của nhà nước trong giáo dục - đào tạo đối với các đối tượng chính sách, người có công, vùng miền.
Ở khâu xét tuyển vào ĐH-CĐ, ngoài một số ưu điểm vẫn còn có nhiều điểm cần khắc phục ở các giải pháp kỹ thuật. Công tác xét tuyển đợt một còn gây tốn kém, bức xúc trong dư luận. Do đó, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh thời gian đăng ký xét tuyển, không cho thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Cho thí sinh đăng ký xét tuyển tại các trường THPT, các địa điểm do sở GD-ĐT quy định, đăng ký xét tuyển trực tuyến, gửi qua đường bưu điện và không cần hồ sơ đăng ký xét tuyển.
(Theo SGGP)