Thứ Ba, 08/12/2015, 10:49 (GMT+7)
.

Ngành GD-ĐT hưởng ứng "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"

Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, viên chức và học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường thủy.

Phát áo phao cho học sinh qua phà.							              Ảnh: N.H
Phát áo phao cho học sinh qua phà. Ảnh: N.H

Với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và số lượng học sinh đông đảo cùng mạng lưới trường, lớp trải đều từ huyện Cái Bè đến huyện Gò Công Đông; mỗi ngày đến trường, các thầy cô giáo và học sinh đều phải tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy tại các bến phà, bến đò ngang tại hầu hết các huyện, thị, thành. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên ngành GD-ĐT hiểu và tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường thủy là công việc xuyên suốt trong năm.

Từ đầu năm học, Sở GD-ĐT ban hành kế hoạch tuyên truyền về ATGT, trong đó có Luật Giao thông đường thủy nội địa. Kế hoạch này được triển khai quán triệt đến tất cả các phòng, ban của sở, các Phòng GD-ĐT và hệ thống các trường, trung tâm trực thuộc. Trong đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch thực hiện cụ thể và hiệu quả đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên của đơn vị mình.

Từng đơn vị tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gồm: Sinh hoạt dưới cờ, phát thanh nhà trường, tổ chức thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa… Bên cạnh những nội dung trọng tâm của pháp luật giao thông đường thủy, học sinh, sinh viên còn được giới thiệu các tình huống thực tế có thể xảy ra khi đi trên các phương tiện đường thủy cùng các kỹ năng, cách xử lý tình huống cần thiết.

Các đơn vị còn năng động kết hợp nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp khác như: Nêu gương sáng trong chấp hành pháp luật giao thông của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên; tuyên truyền qua các ấn phẩm, đặc san, báo tường, bản tin trong nhà trường; biểu diễn văn nghệ…

Đặc biệt, việc tuyên truyền, giảng dạy nội dung an toàn giao thông (ATGT) trong chương trình ở các cấp học là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật ATGT nói chung và giao thông đường thủy nói riêng.

Ở bậc học Mầm non, các em được giáo dục ATGT thông qua các trò chơi, tranh vẽ về các phương tiện giao thông đường thủy; tham gia tìm hiểu một số tình huống về ATGT đường thủy nội địa. Ở cấp Tiểu học, các em được tiếp xúc với Luật Giao thông đường thủy nội địa qua chương trình giáo dục ATGT thông qua các hoạt động ngoài giờ; các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, nắm vững các kỹ năng bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh tiểu học.

Hàng năm tổ chức tập huấn các kỹ năng này cho học sinh là 5 buổi/năm, ngoài ra Sở GD-ĐT còn tổ chức tập huấn bơi cho khoảng 800 học sinh/năm tại một số trường tiểu học có điều kiện. Ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, các em được tìm hiểu sâu hơn Luật Giao thông đường thủy nội địa qua môn Giáo dục công dân, tham gia các hoạt động thi tìm hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn đưa vào chương trình môn Giáo dục thể chất các nội dung bơi cho học sinh, trung bình 5 ngày/năm. Đến thời điểm này, tỷ lệ học sinh tiểu học biết bơi và tự cứu đuối chiếm tỷ lệ khoảng 30%, học sinh bậc học trung học trở lên biết bơi và tự cứu đuối khoảng 70%.

Bên cạnh đó, trong công tác thi đua khen thưởng, Sở GD-ĐT còn ban hành quy chế về văn hóa giao thông trong trường học nhằm tuyên truyền và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, ban giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên và học sinh trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông.

Việc đưa các tiêu chí văn hóa giao thông vào cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày đã giúp hình thành thói quen chấp hành pháp luật về trật tự ATGT như: Đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy; mặc áo phao khi qua phà, đò…

Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong trường học nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả. Cuối năm học, Sở GD-ĐT đều chấm điểm thi đua từng đơn vị dựa trên tiêu chí này.

Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết về những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới để Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” ngày càng đi vào chiều sâu, nhằm nâng cao nhận thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa:

Thứ nhất, cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các ngành, các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đường thủy nội địa cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên, học sinh.

Thứ hai, tiếp tục gắn các chỉ tiêu thi đua của đơn vị với việc chấp hành tốt văn hóa giao thông đường thủy, Luật Giao thông đường thủy nội địa; xem việc thực hiện đó là một trong những chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Thứ ba, phát triển các mô hình câu lạc bộ thanh thiếu niên trong nhà trường, gắn kết việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường thủy nội địa.

MỸ AN

.
.
.