Thứ Tư, 09/12/2015, 13:10 (GMT+7)
.

Trường Tiểu học Nhị Mỹ: Hiệu quả qua 1 năm thực hiện mô hình VNEN

Từ năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học Nhị Mỹ được Phòng GD-ĐT TX. Cai Lậy chọn làm thí điểm thực hiện mô hình “Trường học mới” (VNEN) đối với lớp 2 và lớp 3, bước đầu đã gặt hái được nhiều thành công.

Học sinh tự tổ chức hoạt động dưới sự giám sát của giáo viên.
Học sinh tự tổ chức hoạt động dưới sự giám sát của giáo viên.

Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện nghiêm túc tuần lễ 0 với những việc cụ thể như: Tổ chức Hội đồng tự quản lớp học do giáo viên hướng dẫn, bồi dưỡng cho các thành viên và các ban của Hội đồng tự quản lớp học. Bài học số 0 giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành trong  tuần lễ đầu năm học. Đây là bài học có yếu tố quyết định đến toàn bộ quá trình hình thành những kỹ năng cần thiết của trẻ.

Quá trình triển khai mô hình VNEN, trong những buổi sinh hoạt chuyên đề, các bậc phụ huynh được mời dự giờ, tham quan cách trang trí lớp học, xây dựng các góc học tập, góc cộng đồng, hòm thư cá nhân…, giúp hiểu rõ hơn việc học tập của trẻ theo mô hình mới này, để cùng động viên, giúp
đỡ, chia sẻ với nhà trường và thầy cô.

Theo mô hình này, học sinh được tổ chức theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, do chính các em bầu ra và đảm nhiệm, nhằm phát huy quyền làm chủ của các em trong quá trình học tập. Các em còn được giới thiệu và được tạo điều kiện để thực hiện quyền và trách nhiệm của mình; được rèn luyện các kỹ năng quản lý, tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Điểm nổi bật của mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Giáo viên chỉ đứng ra tổ chức, hướng dẫn học sinh chủ động tự học tập. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em.

Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, nhận thấy ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình. Trong tiết học, giáo viên không còn thuyết giảng nhiều như trước, mà tập trung quan sát, đánh giá, trực tiếp giúp đỡ từng em trong quá trình học tập.

Dạy học theo mô hình “Trường học mới”, giáo viên dành nhiều thời gian để chuẩn bị đồ dùng dạy học, nghiên cứu kỹ tài liệu, suy nghĩ các tình huống có thể xảy ra trong tiết học… để điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả tiết học cao nhất.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm để hỗ trợ giáo viên; hàng tháng tổ chức thao giảng để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, bộ phận chuyên môn của Phòng GD-ĐT tổ chức 2 đợt thao giảng cho giáo viên toàn thị xã dự, qua đó giáo viên có điều kiện học hỏi lẫn nhau để tự hoàn thiện về chuyên môn. Song song đó, nhà trường còn cử giáo viên tham quan, học hỏi với các trường trong tỉnh cùng thực hiện mô hình VNEN để trao đổi, rút kinh nghiệm.

Việc dạy học không chỉ tổ chức cho học sinh tự học, chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, mà giáo viên còn giúp các em nâng cao phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống qua cách tổ chức thi đua giữ vệ sinh lớp học, trồng cây, chăm sóc vật nuôi trong gia đình, phụ giúp cha mẹ việc nhà...; hàng tháng còn tổ chức sinh nhật các bạn trong lớp.

Giáo dục kỹ năng giao tiếp cho các em bằng nhiều hình thức như: Mạnh dạn trao đổi nội dung bài học với các bạn trong lớp và khác lớp; trao đổi ý kiến về học tập; về nội quy lớp học; tổ chức thi đua học tập giữa các nhóm; tổ chức sinh hoạt “Hái hoa dân chủ” với nhiều chủ đề.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Hội thi Kể chuyện Bác Hồ, chuyện cổ tích, các Anh hùng, liệt sĩ, vẽ tranh, thi người quản trò xuất sắc.... và tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Cùng nhau làm vệ sinh, trồng và chăm sóc bồn hoa, thắp hương cho các Anh hùng liệt sĩ tại nhà bia tưởng niệm, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức hội trại, tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh... nhằm giáo dục các em tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết.

Qua 1 năm áp dụng mô hình, hiệu quả đem lại thật đáng mừng: 100% học sinh đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng; chất lượng học sinh yếu giảm hẳn, tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành xuất sắc tăng lên rõ rệt; cuối năm học có 109 học sinh lớp 2 và 110 học sinh lớp 3 đều lên lớp thẳng, đạt tỷ lệ 100%.

Thầy Nguyễn Trọng Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua 1 năm thực hiện mô hình VNEN, vai trò của giáo viên từng bước được nâng lên, nhất là công tác quản lý, điều hành. Đối với học sinh, thể hiện sự linh hoạt, tự giác, tự tin, tự trao đổi trong giờ học. Hội đồng tự quản điều hành nhóm, lớp hoạt động tích cực, tạo môi trường học tập sôi động, thân thiện và hiệu quả… Có thể nói, đây là mô hình hay, cần được nhân rộng”.

LÊ QUANG HUY

.
.
.