Thứ Tư, 13/01/2016, 10:18 (GMT+7)
.

Cô Lương Thị Ngọc Điệp: Vượt khó vươn lên

Bằng tình yêu thương học trò và tâm huyết với nghề, cô Lương Thị Ngọc Điệp, giáo viên Trường Tiểu học Trương Văn Sanh (TX. Cai Lậy) luôn trăn trở: Làm sao để mỗi tiết học giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ bài, thích thú học? Vì lẽ đó, cô luôn trau dồi kiến thức, học hỏi ở đồng nghiệp, sách báo, tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn do ngành tổ chức… để tạo sự phong phú trong mỗi tiết dạy.

Cô Điệp chia sẻ: “Để có những giờ học thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, bản thân luôn có sự đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; gắn hoạt động giáo dục trong nhà trường với thực tế đời sống xã hội…”.

Những năm gần đây, ngành GD-ĐT phát động phong trào “Viết đúng - viết đẹp” trong giáo viên và học sinh. Trường tiểu học Trương Văn Sanh qua mấy kỳ thi  chỉ có 1 giáo viên đoạt giải cấp huyện, số học sinh của trường đoạt giải cũng rất ít, có năm không có em nào.

Cô tự nhủ: “Mình sẽ quyết tâm rèn chữ viết cho đẹp để dạy cho học sinh, vì cô giáo viết chữ đúng, đẹp thì mới dạy học sinh được”.  Kể từ đó, hằng đêm cô tự mình tập viết chữ trên giấy khổ A4 có ô li và trên tập viết lớp 3 đến tận khuya.

Nhìn từng nét chữ mẫu, cô bắt chước theo, cứ thế kiên trì tập trong 2 tháng liên tục. Kết quả, cô đoạt giải Ba cấp huyện và được chọn làm giám khảo chấm thi chữ đẹp cấp huyện liên tục trong 2 năm liền. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của cô không phải là điều đó, mà là học trò lớp cô dạy năm nào cũng đoạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, mang vinh quang về cho trường.

Bản thân cô Điệp luôn có lối sống giản dị, đoàn kết, gương mẫu, tác phong sư phạm mẫu mực. Với tâm niệm “là giáo viên thì trước hết phải là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh học tập và làm theo”, cô tự giác học tập để không ngừng nâng cao kiến thức bằng cách đăng ký học cử nhân tiểu học của Trường Đại học Huế.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và tiếp cận những kiến thức mới, nhưng người nữ giáo viên này vẫn tìm cách vượt qua trong suốt thời gian học; đến lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp thì chồng cô bị bệnh ung thư phải nhập viện.

Cô nhớ lại: “Tôi suy sụp và định bỏ thi tốt nghiệp, để sau học lại, nhưng được gia đình, đồng nghiệp giúp đỡ, động viên và vì học sinh, là động lực to lớn thúc đẩy tôi học tiếp. Tôi không quên được lúc nuôi chồng ở Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP. Hồ Chí Minh, những lúc  khỏe lại sau mỗi đợt hóa trị là anh động viên tôi học”.

Để thuận lợi cho việc học, cô luôn cố gắng thu xếp công việc gia đình để vừa chăm sóc chồng, vừa ôn tập cho kỳ thi. Có những lúc vất vả, cô Điệp không bao  giờ than vãn, buồn bã trước mặt chồng, ngược lại vẫn lạc quan giúp chồng nhanh chóng vượt qua bệnh tật.

Khi chồng cô xuất viện cũng là lúc Trường Đại học Huế tổ chức thi tốt nghiệp. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, kết quả mang lại cho cô thật mỹ mãn - là một trong 2 người đạt loại khá toàn khóa (không có loại giỏi) và được đại diện giáo viên phát biểu cảm tưởng, nhận Giấy khen và quà của Trường Đại học Huế.

Đối với gia đình, cô Điệp là người con hiếu thảo, người vợ, người mẹ đảm đang vun đắp gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”. Gia đình cô nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Văn hóa.

Nhận xét về cô Lương Thị Ngọc Điệp, cô Nguyễn Thị Chiến Lũy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không chỉ là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, cô Điệp còn là tấm gương tiêu biểu của trường trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cô tích cực trong tự học, tự rèn, có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp. Mọi công việc được giao cô đều thực hiện rất tốt. Ngoài chuyên môn, cô còn tập hợp, thu hút tập thể giáo viên cùng tham gia và đạt kết quả cao các phong trào của trường”.

HOÀNG DANH

.
.
.