Thứ Tư, 06/01/2016, 13:44 (GMT+7)
.

Điểm sáng về giáo dục trên quê hương Ấp Bắc Anh hùng

Trường Tiểu học Ấp Bắc được tách ra từ Trường Phổ thông cơ sở Ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy), nơi xảy ra sự kiện Chiến thắng Ấp Bắc vào ngày 2-1-1963 huyền thoại đã đi vào lịch sử.

Tập thể Sư phạm nhà trường.
Tập thể Sư phạm nhà trường.

Thầy Đặng Thành Mầu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tân Phú là một xã thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn. Khi mới được chia tách trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, dẫn đến chất lượng dạy và học còn thấp... Song với sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền, Trường Tiểu học Ấp Bắc đã trở thành một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục TX. Cai Lậy.

Năm 1998, trường được đầu tư xây mới trên diện tích 8.000 m2. Trường hiện có 535 học sinh, 24 phòng học, 9 phòng chức năng. Trong những năm học gần đây, hàng năm chất lượng dạy và học của trường đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh lên lớp luôn đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh giỏi đạt 86%; học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành Chương trình Tiểu học đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 100%; duy trì sĩ số hàng năm đạt 99,81%; 6 năm liền có 100% số lớp được tổ chức dạy theo nhóm bộ môn; 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học Anh văn, vi tính…

Tặng quà cho học sinh vượt khó học tốt của trường.
Tặng quà cho học sinh vượt khó học tốt của trường.

Nhà trường đã đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học như: Nâng cấp phòng máy vi tính; bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học cho các phòng bộ môn; trang bị bổ sung đầu sách cho thư viện, nhất là sách nâng cao, đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh. Nhà trường luôn phát huy có hiệu quả các phòng chức năng: Phòng nhạc, phòng họa, phòng vi tính, phòng thư viện…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có thời gian đầu tư nghiên cứu tài liệu, tự học để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn…

Nét nổi bật là nhà trường đã đẩy mạnh việc dạy học có hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều được tập huấn về đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đến nay, nhà trường có 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn; gần 70% giáo viên trên chuẩn; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi tăng cao. Đẩy mạnh thực hiện các chuyên đề: Quy trình tập đọc lớp 4, lớp 5; rèn viết đúng chính tả; phát huy vai trò “chơi mà học”; rèn kỹ năng học sinh yếu môn Toán khối lớp 5…

Nói về nguyên nhân của kết quả đạt được, thầy Đặng Thành Mầu, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Đó là cả sự phấn đấu không ngừng của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường. Lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên. Thường xuyên đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Rèn luyện kỹ năng cho các em
Rèn luyện kỹ năng cho các em

Phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nội bộ luôn đoàn kết, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tâm với nghề, tất cả vì học sinh thân yêu. Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng quản lý chặt chẽ về chuyên môn, các tổ chuyên môn thực hiện sinh hoạt nền nếp với những nội dung thiết thực như: Đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực của công nghệ thông tin trong giảng dạy phù hợp với học sinh.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường còn tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; chỉ đạo Đội TNTP nhà trường thực hiện tốt các chương trình hoạt động Đội, chú trọng công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; tạo cho học sinh có sân chơi bổ ích để các em bộc lộ tài năng, rèn luyện đạo đức, phát triển toàn diện. Hàng năm, 100% học sinh đạt yêu cầu về giáo dục đạo đức.

Thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu, nhận chăm sóc Khu di tích Ấp Bắc, thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…, góp phần giáo dục học sinh về truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng.

Thầy Nông Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng để xứng đáng với tên gọi của trường. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu giáo dục, phấn đấu đưa trường đạt chuẩn mức độ 2 trong thời gian không xa…”.

P. MAI

.
.
.