Thứ Tư, 17/02/2016, 11:02 (GMT+7)
.

Nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

Sở GD-ĐT phối hợp với Tổ chức liên minh Na Uy tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục hòa nhập (GDHN) trẻ khuyết tật”, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Hội thảo đã đánh giá cao hiệu quả ban đầu của công tác GDHN và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Em Trần Minh Hoàng được học chương trình GDHN. 		Ảnh: PHƯƠNG MAI
Em Trần Minh Hoàng được học chương trình GDHN. Ảnh: PHƯƠNG MAI

TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN

Từ nhiều năm nay, công tác GDHN được các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL hết sức quan tâm. Tại mỗi địa phương, tuy sự đầu tư và công tác triển khai có khác nhau, nhưng đều mang lại kết quả đáng phấn khởi, số trẻ khuyết tật được hòa nhập ngày càng cao; nhận thức của cộng đồng đối với trẻ khuyết tật và người khuyết tật được thay đổi; cha mẹ đề cao ý thức trách nhiệm; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường ngày càng ý thức hơn trách nhiệm của mình trong công tác GDHN; việc tổ chức các hoạt động GDHN phong phú, đa dạng, hiệu quả…

Tại Tiền Giang, công tác GDHN được triển khai thực hiện từ rất sớm (năm 1996), thử nghiệm tại 6 xã điểm (thuộc 6 huyện trên địa bàn tỉnh). Đến năm 2009, GDHN đã được triển khai thực hiện tại hầu hết các trường tiểu học, là nhiệm vụ trọng tâm của cấp học này, với sự ra đời của Dự án “GDHN trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang”.

Từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2015 - 2016, mỗi năm có trên 1.100 trẻ khuyết tật được huy động ra lớp. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin trong lòng mọi người như: Tư vấn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật đến các trường, các tổ chức và cộng đồng; tổ chức dạy nghề theo yêu cầu của gia đình và trẻ khuyết tật; thành lập các câu lạc bộ liên quan đến người khuyết tật…

Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác GDHN được thực hiện hơn 10 năm. Nếu như khi mới thực hiện, số trẻ khuyết tật được đi học chỉ khoảng 30 - 40%, thì 3 năm sau đó số trẻ khuyết tật được đến trường tăng lên 60%. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, số trẻ khuyết tật trên toàn tỉnh Vĩnh Long được đến trường hàng năm đạt trên 74%.

Ông Hứa Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Từ lúc triển khai thực hiện GDHN đến nay, nhiều trẻ khuyết tật được học tập, phát triển trong các trường mầm non, tiểu học, THCS; các em được tạo cơ hội để tham gia học kiến thức, rèn luyện kỹ năng như các trẻ bình thường…

Qua đó, nhiều em đã có chuyển biến tốt về hành vi, tiến bộ trong giao tiếp, có thể tương tác với mọi người xung quanh; phụ huynh ý thức hơn trong việc chăm sóc, giáo dục và cộng đồng cũng quan tâm hơn đến công tác này.

Tương tự, tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, Bến Tre…, công tác GDHN cũng ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, tạo được lòng tin cho cộng đồng và
gia đình trẻ không may khiếm khuyết.

NHIỀU GIẢI PHÁP THIẾT THỰC

Cô Lê Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Long An chia sẻ: “Để việc GDHN được tiến hành thuận lợi, ngay từ lúc thực hiện, Sở GD- ĐT đã phối hợp với các nơi thống kê số trẻ khuyết tật theo từng dạng tật (khiếm thị, khiếm thính, khó khăn về đọc, chậm phát triển…) và vận động các em ra học hòa nhập; giúp cộng đồng hiểu được điều trẻ khuyết tật cần và vận động mọi người cùng chung tay hỗ trợ để trẻ có cơ hội tiếp xúc, phát triển như trẻ bình thường; huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật và học sinh khuyết tật”.

Đặc biệt, việc quản lý GDHN cho học sinh khuyết tật được tỉnh Long An thực hiện rất chặt chẽ qua việc lập hồ sơ cá nhân cho mỗi học sinh khuyết tật (gồm khai sinh, học bạ, sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe y tế, kế hoạch giáo dục cá nhân, sổ bàn giao hồ sơ học sinh qua từng cấp học…); thực hiện chương trình học cho trẻ trên cơ sở chương trình hiện hành, nhưng tùy theo khả năng, nhu cầu của trẻ mà nhà trường chủ động trong việc xây dựng mục tiêu, điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học để phù hợp với từng em; căn cứ mức độ tiếp thu và sự phát triển của trẻ để xây dựng kế hoạch học tập cá nhân (hàng tuần, hàng tháng và cả năm), từ đó quyết định kiến thức cần cung cấp cho trẻ; thực hiện tốt việc phục hồi chức năng cho trẻ; tăng cường các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để trẻ khuyết tật có nhiều cơ hội hòa nhập…

Thầy Nguyễn Văn Cần, Hiệu trưởng Trường Trẻ em Khuyết tật tỉnh An Giang cho biết, ngoài việc vận động trẻ khuyết tật ra lớp, tỉnh An Giang rất chú trọng đến công tác can thiệp sớm. Thầy Cần đánh giá: “Can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật, giúp các em phục hồi, tránh nguy cơ khuyết tật nặng về sau. Đây còn là bước đệm rất quan trọng để trẻ có thể tham gia học hòa nhập sau này.

Từ năm 2001 các trường đã tổ chức hướng dẫn can thiệp sớm cho các em bằng cách ưu tiên bố trí giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt để phụ trách nhóm trẻ cần can thiệp sớm; trang bị một số máy móc, thiết bị cần thiết để hỗ trợ; vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường sớm và lôi cuốn cha mẹ trẻ cùng tham gia vào quá trình can thiệp cho trẻ; hướng dẫn phụ huynh cách xử lý tình huống, hỗ trợ điều trị cho trẻ khi cần; hướng dẫn mọi người trong gia đình trẻ khuyết tật điều chỉnh cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với sự phát triển của trẻ...

Cô Nguyễn Thị Ngọc Tím, Trường Tiểu học Lương Hòa (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho rằng, hiệu quả công tác GDHN là do các nơi đã tìm được hướng đi đúng và có những giải pháp phù hợp. Cô đặc biệt đánh giá cao vai trò của gia đình và nhà trường trong công tác này.

Cô nhận xét: “Cha mẹ sớm phát hiện bệnh của con, vượt qua mặc cảm và sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để hỗ trợ con phát triển chính là bước rất quan trọng giúp trẻ khuyết tật mau hồi phục, hòa nhập với cộng đồng. Về phía nhà trường, giáo viên tập trung đầu tư, sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy học phù hợp với sự phát triển của trẻ khuyết tật; bồi dưỡng giáo viên về cách đánh giá học sinh khuyết tật đang học hòa nhập; giúp giáo viên hiểu rõ hơn về giá trị yêu thương, trách nhiệm, sự tôn trọng... đối với trẻ thiệt thòi để các cô ngày càng có trách nhiệm hơn đối với các em.

MINH CHÂU

.
.
.