Kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2016 nhiều điểm mới cần lưu ý
Năm 2016 là năm thứ 2 diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh (TS) sẽ tiếp tục 1 kỳ thi với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Vì thế TS rất quan tâm những vấn đề mới như: Việc đăng ký dự thi (ĐKDT), cách chọn môn thi, thi ở đâu, thời gian ĐKDT và cách rút, nộp hồ sơ… Những thắc mắc này của TS phần nào đã được giải đáp tại buổi tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ kết hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Tiền Giang và Trường Đại học Tiền Giang vừa tổ chức.
Học sinh đặt câu hỏi tư vấn. |
NHIỀU ĐIỂM CẦN LƯU Ý
“Kỳ thi Quốc gia THPT năm 2016 có những điểm gì mới so với năm 2015?” và “TS cần phải lưu ý những vấn đề gì để đảm bảo quyền lợi?” là 2 câu hỏi được nhiều TS đặt ra.
Giải đáp thắc mắc 2 câu hỏi trên của các em, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2015.
Theo đó, TS sẽ dự thi THPT Quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, các em chỉ đăng ký 4 môn (có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong số các môn tự chọn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý); còn đăng ký vào ĐH-CĐ thì sẽ căn cứ theo quy định của ngành học, trường học mình muốn vào để chọn tổ hợp môn phù hợp.
Tuy nhiên, TS cần lưu ý một số điểm mới như: Trong năm nay, TS tỉnh nào sẽ dự thi tại tỉnh đó (ví dụ như TS Tiền Giang sẽ dự thi tại Trường Đại học Tiền Giang, không thi chung với các TS của tỉnh Bến Tre như năm trước);
TS bị đình chỉ 1 môn sẽ không được dự thi các môn còn lại (TS bị đình chỉ môn thi nào sẽ bị điểm 0 môn thi đó, không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo, không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ);
Việc làm tròn điểm trong các bài thi trắc nghiệm cũng thay đổi theo hướng “tăng độ chính xác và công bằng nhất trong việc sử dụng kết quả thi của TS để xét tốt nghiệp và tuyển sinh” (thay vì lấy đến 0,25 điểm như quy chế năm 2015, thì năm nay việc làm tròn điểm sẽ được tính đến 2 chữ số thập phân (có thể lấy đến 0,01 điểm), nghĩa là nếu TS được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5 điểm, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm).
Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ cho phép các em ĐKDT bằng nhiều cách, trong đó có ĐKDT trực tuyến. Tuy nhiên, để đăng ký trực tuyến thì ngay lúc nộp hồ sơ các em phải đăng ký số điện thoại di động, nếu em nào không đăng ký số điện thoại di động thì sẽ không thực hiện được việc đăng ký trực tuyến này.
TS đặt câu hỏi với Ban Tư vấn về những điểm cần lưu ý tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. |
Về các đợt xét tuyển, PGS-TS Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh những điểm mới là: Trong đợt 1, các em được đăng ký tối đa là 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành (xếp thứ tự từ 1 đến 2) và khi nộp rồi thì không được phép rút hồ sơ; đợt 2, đợt 3 trở đi các em được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường không quá 2 nguyện vọng (cũng không được thay đổi nguyện vọng).
Đặc biệt, do trong năm nay ngay từ đợt 1 các em được đăng ký tối đa 2 trường (năm 2015 chỉ có 1 trường) nên rất nhiều khả năng các em sẽ trúng tuyển cả 2 trường, như vậy các em phải lưu ý sau khi các trường thông báo kết quả xét tuyển, biết mình trúng tuyển rồi thì các em bắt buộc phải có bước xác nhận là mình học ở trường nào bằng cách nộp phiếu và giấy chứng nhận kết quả thi vào trường muốn học (em nào không nộp coi như không học, sẽ không được gọi vào trường, như vậy sẽ đồng nghĩa với việc đỗ trở thành trượt).
CÂN NHẮC KHI ĐĂNG KÝ DỰ THI
Tại buổi tư vấn, rất nhiều TS đã thắc mắc: “Ngoài các môn bắt buộc, nên chọn bao nhiêu môn thi là vừa?”. Với câu hỏi này, đại diện Ban Tư vấn, PGS- TS Trần Văn Nghĩa cho biết: Ngoài các môn bắt buộc, TS có thể thi hết các môn còn lại (nghĩa là dự thi đủ 8 môn).
Tuy nhiên, các em cần lưu ý nếu đăng ký hết 8 môn thì các em sẽ khó ôn tập cũng như không thể đạt kết quả tốt nhất ở mỗi môn thi. Vì thế các em nên cân nhắc thật kỹ về ngành dự định học, trường dự định thi để chọn ra các môn phù hợp. Theo tôi, các em chỉ nên thi nhiều nhất là 5 - 6 môn (kể cả các môn bắt buộc) để có kết quả tốt nhất.
Ông Nghĩa cũng nhắc nhở những học sinh đã tốt nghiệp THPT (nhưng chưa vào được trường ĐH-CĐ), năm nay nếu muốn tiếp tục thi ĐH-CĐ thì chỉ cần thi những môn cần thiết để xét vào trường ĐH-CĐ mình muốn.
Riêng những học sinh chưa tốt nghiệp THPT năm 2015, không bị kỷ luật đến mức hủy kết quả thi, có kết quả môn thi đạt từ 5 điểm trở lên thì được bảo lưu kết quả, vì vậy các em không phải thi hết 4 môn. Tuy nhiên, do nhiều trường ĐH-CĐ sẽ không dùng kết quả bảo lưu nên các em cần cân nhắc kỹ trước khi chọn môn thi, tránh việc không vào được trường ĐH-CĐ mong muốn.
PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tư vấn các điểm mới cho TS. |
Về chọn ngành, Ban Tư vấn lưu ý: Các em cần phải xác định sớm và chính xác ngành mình muốn học để chọn môn thi và có cách thức ôn luyện cho phù hợp. Vì cũng như năm 2015, năm nay nhiều trường sẽ tiếp tục xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.
Có trường sẽ xét tuyển trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và các tiêu chí riêng của trường (kiểm tra thêm kiến thức, năng khiếu, học bạ bậc THPT…); có trường sẽ xét tuyển dựa trên học bạ THPT, vì vậy các em cần phải hết sức lưu ý trước khi nộp hồ sơ.
Ngoài ra, TS cũng cần lưu ý để tránh sai sót đáng tiếc (tương tự các TS đã vướng phải trong năm 2015) như: Các em thi vào trường Quân đội, Công an chỉ đăng ký sơ tuyển mà không nộp đơn ĐKDT hoặc ngược lại; các em có nguyện vọng ĐKDT vào các ngành năng khiếu thì chỉ ĐKDT để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà “quên” đăng ký thi năng khiếu ở trường ĐH học nên mất đi cơ hội; nhiều em khai nhầm đối tượng ưu tiên nên đỗ thành trượt…
Riêng về thời gian bắt đầu đăng ký các môn thi cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết: Dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1-4 và kết thúc vào ngày 30-4.
Chốt phương án tổ chức cụm thi THPT Quốc gia năm 2016 Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT vừa báo cáo với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức cụm thi THPT Quốc gia năm 2016 tại Tiền Giang. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức 1 cụm thi cho toàn bộ các thí sinh của tỉnh Tiền Giang (bao gồm thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; xét tuyển đại học, cao đẳng và thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT) do Trường Đại học Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện. |
MINH CHÂU