Thứ Tư, 30/03/2016, 14:36 (GMT+7)
.

Kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2016: Nhóm ngành xã hội "lên ngôi"

“Ngành nào dễ có việc làm?”, “Nên chọn ngành phù hợp năng lực bản thân hay phù hợp với nhu cầu xã hội?”, “Làm sao để chọn được ngành nghề phù hợp?”. Đó là 3 câu hỏi được nhiều thí sinh (TS) đặt ra cho Ban Tư vấn trong các buổi tư vấn tuyển sinh gần đây.

Nhiều TS quan tâm đến nhóm ngành xã hội đang nhờ tư vấn.
Nhiều TS quan tâm đến nhóm ngành xã hội đang nhờ tư vấn.

NHIỀU CÂU HỎI VỀ NHÓM NGÀNH XÃ HỘI

Năm nay, các ngành học thuộc nhóm ngành xã hội được nhiều TS quan tâm. Bạn Bùi Thanh Trúc (Trường THPT Chuyên Tiền Giang) hỏi: “Những ngành thuộc nghệ thuật, xã hội có thích hợp cho người hướng nội hay không?” và “Ngành Quan hệ công chúng được đào tạo ở trường nào?”.

Trả lời câu hỏi này, TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Những ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và xã hội rất rộng, vì thế có khả năng phù hợp với nhiều người. Lĩnh vực xã hội có rất nhiều ngành như: Lịch sử, Văn học, Địa lý, Triết học, Xã hội học, Công tác xã hội, Quan hệ quốc tế…, các em có thể chọn một ngành nào đó phù hợp để học”.

Tiền Giang thuộc cụm thi 61 - cụm thi đại học

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách dự kiến 120 cụm thi THPT Quốc gia năm 2016, gồm 70 cụm thi đại học và 50 cụm thi tốt nghiệp. Theo đó, Tiền Giang thuộc cụm thi 61 (do Trường Đại học Tiền Giang chủ trì).

Cụm thi đại học tổ chức cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng do Trường Đại học Tiền Giang chủ trì. Cụm thi tốt nghiệp tổ chức cho thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT chủ trì.

Được biết, Quy chế năm nay cho phép mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đồng thời 2 loại cụm thi này. Tuy nhiên, từng địa phương vẫn có thể quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cụm thi đại học  cho cả 2 đối tượng thí sinh trên.

Đối với ngành Quan hệ công chúng, hiện chỉ có 1 trường đào tạo đúng tên ngành là Trường Đại học Văn Lang, điểm tuyển sinh năm ngoái của ngành này không cao lắm (khoảng 17,5 điểm).

Muốn làm quan hệ công chúng thì không nhất thiết phải học đúng ngành này, mà có thể học nhiều ngành khác như: Quan hệ quốc tế, Báo chí truyền thông…

Bạn Anh Thoại (Trường THPT Trần Hưng Đạo) thắc mắc:  “Em định thi vào Khoa Báo chí truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vậy khi ra trường có dễ xin việc làm không?”.

TS Phạm Tấn Hạ giải đáp: “Ngành Báo chí truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đào tạo theo hướng sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều  lĩnh vực khác nhau có liên quan.

Với kiến thức học được ở 2 ngành Văn hóa học và Xã hội học, em vẫn có thể làm việc trong lĩnh vực truyền thông nếu có tố chất, kỹ năng nghề”.

Năm nay, nhiều TS cũng rất quan tâm đến ngành Tâm lý học và muốn tìm hiểu về nơi đào tạo, điều kiện học tập, cơ hội việc làm trong tương lai, đã được Ban Tư vấn giải thích:

Nếu chọn ngành Tâm lý học thì phải xem đây là một việc làm thật sự chứ không phải vì tò mò muốn khám phá hay nắm bắt tâm lý của những người xung quanh mình. Ngành này sẽ trang bị những kiến thức, kỹ năng làm công tác tham vấn, tư vấn (về rất nhiều vấn đề khác nhau) và tâm lý về nhân sự (biết người đối diện có những khí chất, tố chất nào…).

Về cơ hội việc làm của nhóm ngành xã hội, Ban Tư vấn chia sẻ: Cơ hội việc làm nhóm ngành xã hội rất rộng mở với những người thật sự có năng lực phù hợp với công việc. Những ngành thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn vẫn có nhu cầu nhân lực nhiều, chẳng hạn: Nhóm ngành Pháp lý, ngành Công tác xã hội, Báo chí truyền thông…

NÊN CHỌN NGÀNH HỌC THẾ NÀO?

Trong buổi tư vấn gần đây, 1 TS đã không ngần ngại cho biết: “Em khó có thể chọn lựa được 1 ngành nghề phù hợp cho bản thân vì ngành nào em cũng cảm thấy thích, cũng muốn làm cả. Vậy em phải làm thế nào?”.

Về vấn đề này, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi tốt nghiệp THPT các em có rất nhiều ngã rẽ, nhưng các em bắt buộc phải chọn 1 ngã rẽ phù hợp nhất.

Để làm được điều này, các em bắt buộc phải nghiền ngẫm lại xem ngành nghề nào mà mình thích nhất để đeo đuổi cho bằng được, trước mắt phải tập trung học và ôn luyện những môn mà mình thi vào ngành đó; hoặc mạnh dạn thay đổi nếu cảm thấy mình không thể theo đuổi ước mơ đó.

Để thực hiện được ước mơ, còn cần phải tìm hiểu thật kỹ xem ngành đó sẽ học ở trường nào, điều kiện vào ngành như thế nào… để có sự lựa chọn tốt nhất. Bởi vì, có thể cùng một ngành nhưng nhiều trường sẽ xét tuyển với mức điểm, điều kiện học tập, học phí…  khác nhau, liệu xem có phù hợp với điều kiện gia đình và sức học không.

“Ngành học dễ có việc làm nhất chính là ngành bạn yêu thích nhất và phù hợp với năng lực bản thân. Vì thế, các em không nên chạy theo số đông hay ngành “hot”…” là lời khuyên của các thành viên Ban Tư vấn dành cho thí sinh.

Ban Tư vấn còn đưa ra một lời khuyên cho các em còn phân vân trước lựa chọn tương lai: “Khi chọn nghề, trước tiên các em nên lựa chọn nghề theo lĩnh vực (xã hội nhân văn, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, y dược, sư phạm, kinh tế... ), sau đó mới tìm hiểu về từng  ngành trong lĩnh vực đó và chọn ra 1 ngành phù hợp nhất”.

MINH CHÂU

.
.
.