Thứ Năm, 12/05/2016, 05:56 (GMT+7)
.
KỲ THI THPT QUỐC GIA 2016:

Gần 6% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp

Tính đến ngày 6-5, các trường đã thống kê được cơ bản nguyện vọng của thí sinh (TS) trong việc lựa chọn các môn thi. Con số thống kê cho thấy rất ít TS (chiếm khoảng 5,6% tổng số TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) chỉ để xét Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT).

Nhiều thí sinh ĐKDT với 2 mục đích thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nhiều thí sinh ĐKDT với 2 mục đích thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

THI ĐỂ THỬ SỨC MÌNH

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 vẫn tiếp tục được tổ chức với mục đích lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp làm căn cứ để tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ). Vì thế, các em có thể chọn ĐKDT theo các mục đích: Chỉ thi Tốt nghiệp THPT; thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh (lấy kết quả vào ĐH-CĐ) hoặc chỉ thi tuyển sinh (đối với những học sinh đã Tốt nghiệp THPT).

Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo  (GD-ĐT), đến thời điểm ngày 6-5-2016, có 10.262/11.689 TS ĐKDT với 2 mục đích Tốt nghiệp THPT và lấy điểm tuyển sinh ĐH-CĐ; 767 TS ĐKDT với mục đích tuyển sinh. Trong khi đó, chỉ có 660 TS ĐKDT chỉ để xét Tốt nghiệp THPT (cả hệ THPT, Giáo dục thường xuyên và TS tự do). Và số TS này chỉ tập trung ở một số trường như:

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ (39/39 TS, tỷ lệ 100%); Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Châu Thành (20/44 TS, tỷ lệ 45,45%); Trung cấp Bách Khoa Gò Công (31/74 TS, tỷ lệ 41,89%); Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Chợ Gạo (29/75 TS, tỷ lệ 38,66%); Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Gò Công Tây (18/48 TS, tỷ lệ 37,5%);

THPT Nguyễn Văn Thìn (49/134 TS, tỷ lệ 36,56%); Trung cấp Kỹ  thuật - Nghiệp vụ Cái Bè (37/115 TS, tỷ lệ 32,17%); Trung cấp Kinh tế Công nghệ Cai Lậy (56/174 TS, tỷ lệ 32,1%); Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Mỹ Tho (63/204 TS, tỷ lệ 30,88%); Năng khiếu TDTT (6/22 TS, tỷ lệ 27,27%); Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Tân Phước (12/47 TS, tỷ lệ 25,53%); THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (42/165 TS, tỷ lệ 25,45%);…

Đặc biệt, nhiều trường không có TS nào ĐKDT với một mục đích xét Tốt nghiệp THPT như: THPT Phạm Thành Trung; THPT Huỳnh Văn Sâm; THPT Tứ Kiệt; THPT Tân Hiệp; THPT Vĩnh Kim; THPT Rạch Gầm - Xoài Mút; THPT Chuyên Tiền Giang; THPT Ấp Bắc, THPT Thủ Khoa Huân; THPT Trần Văn Hoài; THPT Nguyễn Văn Côn; THPT Gò Công Đông;

THCS&THPT Phú Thạnh; THPT Phước Thạnh; THCS&THPT Tân Thới. Bên cạnh đó, một số trường có TS dự thi với mục đích này nhưng tỷ lệ vẫn không cao như: THPT Chợ Gạo (1/524 TS); THPT Trần Hưng Đạo (3/342 TS); THPT Trương Định (4/479 TS); THPT Nguyễn Đình Chiểu (3/558 TS); THPT Nguyễn Văn Tiếp (1/199 TS); THPT Bình Đông (7/210 TS); THPT Đốc Binh Kiều (6/439 TS); THPT Lê Văn Phẩm (8/408 TS).

Một TS Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (xin được giấu tên) chia sẻ: “Sức học không được tốt lắm, thi quá nhiều môn sợ kham không nổi nên chọn giải pháp thi 4 môn cho “an toàn”. Nếu năm nay đỗ tốt nghiệp với kết quả khá, em sẽ dùng kết quả này để xét tuyển vào một trường Đại học hoặc Cao đẳng vừa sức. Nếu không đủ điểm vào Đại học, em sẽ bảo lưu kết quả đợi năm sau thi tiếp”.

Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT:

Những năm trước đây, mỗi năm Tiền Giang có khoảng 8.000 TS vào ĐH-CĐ - một con số rất lớn, cho nên có thể thấy vào các trường ĐH-CĐ là nhu cầu của nhiều TS. Vì vậy, việc nhiều TS ĐKDT với 2 mục đích thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ trong năm nay là điều khá bình thường.

Việc có ít TS ĐKDT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT cũng vậy. Do các phụ huynh và học sinh đều có tâm lý muốn học đại học; mặt khác họ lại thấy con em và bản thân mình có năng lực và muốn thi đại học nên việc họ không muốn dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng có quá ít học sinh ĐKDT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT là điều chưa hẳn tốt. Vì thật ra có nhu cầu thi đại học là một chuyện, nhưng không phải học sinh nào cũng có thể vào một trường đại học như ý nguyện và có thể học tốt mấy năm đại học. Vì vậy, tôi cũng mong muốn các em phải cân nhắc thật kỹ trước lựa chọn của mình. Và nếu lựa chọn rồi thì phải thật cố gắng để đạt kết quả tốt nhất.
 

Trong khi đó, những TS đã ĐKDT với 2 mục đích đều rất tự tin với lựa chọn của mình. TS Nguyễn Thị Tuyết Xuân (Trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết:

“Ngay từ đầu năm học, em dự định sẽ chọn ngành ma-ket-ting nên khi bắt đầu ĐKDT là em đăng ký ngay các môn thi cần thiết. Em đã ôn tập và chuẩn bị rất kỹ, hy vọng kết quả sẽ như mong đợi. Nếu không, đây cũng là cơ hội để em thử sức mình”.

Cũng như Tuyết Xuân, nhiều bạn chọn ĐKDT với 2 mục đích đều có mong muốn sẽ được thử sức mình ở kỳ thi sắp tới. Theo các bạn, đây vừa là cơ hội để vào trường ĐH-CĐ mơ ước và cũng là cơ hội để cọ xát thực tế, đánh giá kết quả 12 năm học.

Theo thăm dò của chúng tôi tại các trường THPT, việc lựa chọn môn thi của các em được các giáo viên theo dõi và tư vấn khá kỹ. Các thầy cô đã căn cứ trên sức học, sở thích, hoàn cảnh của từng em để định hướng. Vì vậy, cho dù lựa chọn dự thi với mục đích nào, thì đó vẫn là hướng đi tốt nhất đối với các em.

Việc không quá nhiều em chỉ ĐKDT với mục đích xét tốt nghiệp cũng không nằm ngoài dự kiến của các trường, nhất là khi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa qua đề thi các môn không quá khó đối với sức học của các em.

THÍ SINH ĐÃ CÂN NHẮC KỸ

Ông Lê Ngọc Linh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) cho rằng: “Việc lựa chọn của TS như vậy là hợp lý vì hầu hết các em đều xác định được hướng đi cho mình. Những TS chọn mục đích thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT có lợi thế là dễ tập trung ôn luyện, kết quả thi sẽ tốt hơn; từ đó các em sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH-CĐ (do một số trường ĐH-CĐ có đề án tuyển sinh riêng, chỉ tuyển điểm học bạ và điểm tốt nghiệp THPT). Những em ĐKDT để xét tốt nghiệp và tuyển sinh cũng “có lợi” vì có thể sử dụng kết quả vào 2 mục đích”.

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, lựa chọn mục đích dự thi như thế nào là quyền của TS. Vấn đề là các em có xác định được năng lực, sở trường, sở thích và ước mơ nghề nghiệp tương lai… để căn cứ vào đó mà lựa chọn hay không. Điều này đã bộc lộ rõ qua kết quả ĐKDT của các TS tại các trường.

Ví dụ, toàn tỉnh không có quá nhiều TS chọn thi 7 - 8 môn (điều mà không giáo viên nào khuyến cáo vì khi ĐKDT nhiều, các em sẽ không thể ôn tập hết tất cả các môn, kết quả sẽ không tốt). Trong khi đó, số TS ĐKDT 4 - 5 môn rất cao (theo các giáo viên đây là lựa chọn phù hợp nhất vì với số môn như thế này, các em sẽ tập trung ôn tập tốt hơn).

Cụ thể, theo thống kê của Sở GD-ĐT (tính đến ngày  4 - 5), toàn tỉnh có 13 TS ĐKDT 1 môn; 28 TS ĐKDT 2 môn; 650 TS ĐKDT 3 môn; 4.451 TS ĐKDT 4 môn; 5.849 TS ĐKDT 5 môn; 604 TS ĐKDT 6 môn; 16 TS ĐKDT 7 môn và 2 TS ĐKDT 8 môn.

Mặt khác, việc lựa chọn các môn thi tự chọn cũng phần nào cho thấy các em đã cân nhắc kỹ khi ĐKDT. Cụ thể, môn được các em lựa chọn nhiều nhất vẫn là Hóa học (6.958/11.689 TS). Tiếp theo là các môn: Vật lý (6.710/11.689 TS); Địa lý (2.884/11.689 TS); Sinh học (2.376/11.689 TS) và Lịch sử (1.300/11.689 TS). Điều này cũng nằm trong xu hướng lựa chọn chung của TS ở những năm trước và của TS cả nước.

MINH CHÂU

.
.
.