Sẵn sàng cho kỳ thi lớn
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia đang được các đơn vị gấp rút triển khai. Công tác huy động cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực phục vụ cho kỳ thi đã được chuẩn bị; việc ôn tập cho thí sinh (TS) cũng được các trường tập trung.
Được ôn tập tốt, các thí sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi lớn. Ảnh: Minh Châu |
TẬP TRUNG ÔN TẬP
Hiện tại, hầu hết các trường đang bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” nhằm giúp TS có tâm thế tốt nhất để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Sau khi TS đăng ký các môn thi tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý), tùy theo yêu cầu, nguyện vọng của từng TS, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho các em.
Năm nay, Trường THPT Tân Phước (huyện Tân Phước) có 153 học sinh (HS). Các em đăng ký dự thi (ĐKDT) những môn tự chọn khá đồng đều: Địa lý (75 HS), Hóa học (72 HS), Vật lý (49 HS), Sinh học (38 HS), Lịch sử (31 HS) nên việc tổ chức các lớp ôn tập thuận lợi. Ngay sau khi các em ĐKDT, trường đã tổ chức các lớp ôn tập cho các em (học trái buổi).
Cụ thể, trường đã tổ chức các lớp Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử (mỗi lớp dao động từ 35 - 40 học sinh). Tùy theo mức độ quan trọng của từng môn, trường bố trí số tiết tương ứng: Môn Toán 6 tiết/tuần, Ngữ văn 5 tiết/tuần và các môn còn lại 4 tiết/tuần.
Ông Huỳnh Tấn Trãi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến thời điểm này, việc ôn thi cho các em đang vẫn được tiến hành, đặc biệt là với các môn thi tốt nghiệp THPT. Thời gian còn không nhiều, các em lại ít có điều kiện và khả năng theo học các lớp luyện thi bên ngoài, nên tất cả đều tùy thuộc vào nhà trường. Vì vậy, nhà trường hết sức cố gắng để giúp các em ôn tập thật tốt”.
Trường THPT Thiên Hộ Dương (huyện Cái Bè) có 270 HS; trong đó, có 8 em chỉ thi tốt nghiệp THPT, 14 em chỉ thi tuyển sinh và 248 em thi với 2 mục đích. Tại đây, việc ôn tập cũng được tổ chức theo nguyện vọng của các em. Những buổi học ôn được tổ chức tại trường, do giáo viên bộ môn trực tiếp giảng dạy.
Trước khi tổ chức lớp, trường đưa ra nội dung chương trình, số tiết học mỗi tuần/môn để HS lựa chọn đăng ký và xếp lớp ôn tập. Theo ghi nhận, hầu hết các HS của trường đều đăng ký học 3 môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Các môn tự chọn, các em đăng ký khá ít (ví dụ môn Địa lý chỉ có khoảng 60 em). Tuy nhiên, trường vẫn chia lớp (khoảng 30 - 35 HS /lớp) để đảm bảo việc ôn thi cho các em.
Được ôn tập tốt, các TS sẵn sàng bước vào kỳ thi lớn. |
Bên cạnh việc tổ chức ôn tập theo nguyện vọng HS, một số trường còn đặc biệt chú trọng đến công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, bên cạnh tổ chức các lớp ôn tập theo yêu cầu của HS, các trường còn tổ chức 1 lớp ôn tập cho các em HS có học lực trung bình, yếu. Những em này sẽ được trường bố trí ôn tập khoảng 12 tiết/tuần 3 môn: Văn, Toán và Ngoại ngữ. HS sẽ được hệ thống lại những kiến thức căn bản, giúp các em có thể đạt được những yêu cầu cơ bản của một bài thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 Tiền Giang có 11.695 TS, thi tại 401 phòng thi ở 11 điểm. Điểm có TS thi đông nhất là Trường Đại học Tiền Giang - cơ sở Thân Cửu Nghĩa (2.618 TS). Tiếp theo là các điểm: Trường Đại học Tiền Giang - cơ sở chính (2.002 TS); Trường Cao đẳng Y tế (1.208 TS); Trường THPT Chuyên Tiền Giang (1.021 TS); Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (960 TS); Trường THCS Xuân Diệu (840 TS); Trường THPT Trần Hưng Đạo (744 TS); Trường Chính trị Tiền Giang (622 TS); Trường THPT Phước Thạnh (600 TS); Trường THCS Nam Định (552 TS) và Trường THCS Học Lạc (528 TS). |
TỪNG BƯỚC SẴN SÀNG
Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia đã cơ bản hoàn tất, các phương án tổ chức kỳ thi đã được lên kế hoạch cụ thể.
Công tác: Sao in, vận chuyển đề thi; coi thi; chấm thi; huy động cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi… đều đã được các đơn vị lên kế hoạch thực hiện, đặc biệt là việc huy động cơ sở vật chất, phương tiện và nhân lực cho việc tổ chức thi và coi thi.
Theo đó, các điểm thi được chọn là các cơ sở của Trường Đại học Tiền Giang và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Các điểm thi phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện như:
An toàn; phòng thi có đủ bàn, ghế, bảng; trong phòng thi có ánh sáng đầy đủ; phòng Hội đồng thi (đủ cơ sở vật chất, thiết bị, điện thoại, hệ thống phát thanh, trống); phòng bảo quản an toàn đề thi…
Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã chuẩn bị rất kỹ cho các em dự thi. Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
“Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định phương án tổ chức cụm thi và thực hiện nhiều việc liên quan đến chuyên môn và TS như: Tổ chức rà soát thông tin ĐKDT, xác định khu vực ưu tiên phù hợp với những sửa đổi, bổ sung của Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016; tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi và phần mềm Quản lý thi THPT Quốc gia năm 2016;
Hướng dẫn các đơn vị tổ chức cho thí sinh ĐKDT đúng theo quy định tránh sai sót; chuẩn bị cơ sở vật chất khi có yêu cầu; tổ chức học tập Quy chế thi và các quy định, hướng dẫn có liên quan cho các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016, quy định rõ trách nhiệm cá nhân của những người tham gia tổ chức kỳ thi; tổ chức kiểm tra chéo công tác chuẩn bị cho kỳ thi giữa các đơn vị có TS ĐKDT.
Đặc biệt, các trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát thật kỹ các diện ưu tiên, khuyến khích… để tránh những sai sót có thể ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm nay Tiền Giang có 11.695 TS ĐKDT (trong đó diện ưu tiên trong tuyển sinh gồm có: KV1 là 751 em; KV2 là 3.318 em; KV2NT là 6.060 em; KV3 là 8 em; không hưởng ưu tiên là 548 em). Các em trong diện ưu tiên đã được kiểm tra, hướng dẫn làm đúng thủ tục để có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi theo diện ưu tiên.
MINH CHÂU