Ngành GD-ĐT: Nhiều giải pháp để đưa NQĐH Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện công tác dạy và học, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định giáo dục là một trong những khâu đột phá để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Nghị quyết nêu rõ các chỉ tiêu mà ngành GD-ĐT tỉnh cần phải đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 như sau: Tỷ lệ huy động vào nhà trẻ, các bậc học so với dân số trong độ tuổi đến trường năm 2020: Nhà trẻ (NT) đạt 15%, mẫu giáo (MG) đạt 85%, tiểu học (TH) đạt 100%, trung học cơ sở (THCS) đạt 99%, trung học phổ thông (THPT) và tương đương đạt 80%.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc mầm non (MN), THCS, THPT là 50% và bậc TH là 75%. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành giỏi; tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, giảng dạy gắn với tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV)...
Ngành GD-ĐT thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. |
Để thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, ngành
GD-ĐT đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế bằng các nhiệm vụ: Phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
Sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tập trung triển khai xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở các ngành học, bậc học và đầu tư xây dựng trường học tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tiếp tục thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi và phát triển quy mô huy động trẻ MG dưới 5 tuổi. Đầu tư đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị giáo dục tối thiểu để tiếp tục huy động học sinh MN ra lớp.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Tăng cường sử dụng hiệu quả, bảo đảm khai thác tất cả các tính năng, tránh lãng phí đối với các trường đã được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc học ngoại ngữ.
Nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày và học tiếng Anh ở bậc TH, phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 75% số lớp học 2 buổi/ngày. Thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT quy định. Thực hiện phân luồng sau THCS và thực hiện giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội…
Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ do Sở GD-ĐT đề ra, phòng GD-ĐT của các huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo tình hình, đặc điểm riêng của từng địa phương, đơn vị, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X vào cuộc sống.
Ông Đỗ Ngọc Bình, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho cho biết, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ của Sở GD-ĐT và Nghị quyết XI của Đảng bộ TP. Mỹ Tho, Phòng GD-ĐT đã xây dựng chương trình hành động, với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ học sinh TH, THCS đạt 100%; xây dựng 8 trường MN, 6 trường TH và 5 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.
Đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phối hợp với các cấp, các ngành phát triển hệ thống trường, lớp dạy nghề; cơ sở dạy nghề phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục ở các bậc học; bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ, giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ chính trị để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Ông Ngô Thanh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành chia sẻ, ngành GD-ĐT huyện đã xây dựng chương trình hành động đến năm 2020, với các mục tiêu cụ thể như sau: Tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào MG đạt 100%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%; học sinh THCS đủ điều kiện vào lớp 10, giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề đạt 85%; xây dựng 8 - 10 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, ngành GD-ĐT huyện đã đề ra các giải pháp sau: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”; duy trì xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong toàn ngành. Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của các chi bộ.
Tích cực huy động học sinh đi học theo từng độ tuổi, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tiếp tục ký kết liên tịch với ngành Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phối hợp với các ngành liên quan xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường quyết tâm đổi mới phương pháp quản lý và giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học (dưới 5%). Mỗi năm có ít nhất 1 giáo viên đạt chuẩn giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2020.
PHAN THẮNG