Nỗi lo của phụ huynh nghèo đầu năm học mới
Một năm học mới lại sắp bắt đầu trong niềm hân hoan vui mừng của các học trò nhỏ. Đối nghịch với niềm vui ấy, nỗi âu lo trăn trở của các bậc phụ huynh, nhất là công nhân, viên chức, lao động nghèo cũng tăng lên khi họ phải đối diện với hàng loạt khoản chi tiêu: Tiền học phí, tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập và rất nhiều khoản phụ phí khác. Dẫu vậy, họ vẫn dè sẻn, gồng gánh để con mình được đến trường.
Phụ huynh và học sinh mua sắm dụng cụ học tập tại nhà sách Fahasa TP. Mỹ Tho |
Mặc dù chưa vào chính thức năm học mới, chưa có quy định về tăng học phí các cấp học, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn đứng ngồi không yên vì những khoản thu “tự nguyện”, “thỏa thuận” tính ra còn nhiều hơn cả tiền học phí. Chị Lê Thị Hường (phường 7, TP. Mỹ Tho) có 3 con cùng nhập học trong năm nay. Trong khi đó, gia cảnh của chị lại hết sức khó khăn. Chưa bước vào ngày nhập học nhưng chị đã chắc chắn sẽ phải khất lần tiền học phí của các con.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, xã Đạo Thạnh có con đang học mẫu giáo, chia sẻ: “Năm rồi, vợ chồng chị cố gắng cho con được vào học đúng tuyến Trường mầm non Bông Sen. Vợ chồng chị rất vui vì con được học ở ngôi trường có chất lượng dạy tốt. Nhưng nỗi lo cũng không ít. Tiền học phí, tiền ăn, tiền xây dựng, tiền quỹ, tiền mua máy điều hòa, máy lọc nước... thôi thì đủ các thứ tiền khiến vợ chồng chị phải đau đầu”.
Bên cạnh nỗi lo lạm thu các khoản phí “tự nguyện” đầu năm học, thì nhiều phụ huynh không khỏi than thở việc sắm đồ dùng học tập đầu năm cho trẻ là khá tốn kém, nhất là đối với phụ huynh nghèo thì nỗi lo này lại nhân lên gấp nhiều lần. Mặc dù hiện nay, hầu hết các nhà sách, cửa hàng bán lẻ đều áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 - 10% cho mặt hàng sách giáo khoa và sách tham khảo. Đa số các phụ huynh đều cho rằng: Mặc dù giảm giá, nhưng giá một số dụng cụ học tập vẫn còn cao, nhất là cặp, viết máy, máy tính….
Gặp chị Nguyễn Hồng Liên cùng con trai Bùi Anh Tuấn đang đi mua dụng cụ học tập tại nhà sách Hùng Vương, chị Liên tâm tư: “Nay chị dẫn cháu đi mua thêm các dụng cụ như tập, viết…, còn sách giáo khoa chị mua tuần trước. Để bớt áp lực, chị mua sắm từ từ, thứ nào cần thiết thì mua trước. Chị có 2 đứa con, một đứa vô lớp 4, một đứa lớp 6. Nghĩ tới các khoản phí đầu năm học cứ làm vợ chồng chị lo lắng”.
Số tiền 1-2 triệu đồng cho các khoản: Học phí, quần áo, tập, sách… “không thành vấn đề” với những gia đình có thu nhập khá, nhưng lại là nỗi lo lớn cho những gia đình nghèo khó. Đối với những gia đình có từ 2 - 3 con cùng nhập học, nỗi lo về ngày khai giảng càng trở thành ám ảnh. Chị Liên nhẩm tính sơ các khoản tiền phải đóng cho 2 đứa con đi học cũng gần 1,5 triệu đồng. Chưa kể các thứ khác phải mua, như: Đồng phục, quần áo thể dục, giầy,….
Đối với phụ huynh nghèo ở nông thôn, nỗi lo đầu năm học mới càng oằn nặng. Anh Đào Văn Thanh (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Vợ chồng anh có 2 đứa con, đứa lớp 5, đứa năm nay vô lớp 1. Hoàn cảnh gia đình vất vả lắm, 2 vợ chồng làm thuê làm mướn, nhà thì nuôi thêm con bò. Phải tằn tiện lắm mới đủ sinh hoạt trong gia đình. Nhiều năm nay, đứa con lớn hầu như chưa được mặc một bộ đồ mới nào, học bằng sách giáo khoa cũ xin về. Năm học này, nghe nói nhà trường buộc phải mua đồng phục, lo lắm”.
Nén tiếng thở dài, chị Hồng Thanh (phường 4, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Chị có con gái đang học mẫu giáo, chị đang đắn đo suy nghĩ có nên cho con gái đi học thêm nhạc, họa. Hai môn học này không bắt buộc, nhưng trong lớp các cháu đều học thêm, chị cũng muốn cho con học thêm mấy môn đó, nhưng mỗi tháng chỉ tính riêng tiền ăn trưa, tiền học của con cũng hết đứt triệu đồng, thêm tiền học nhạc, học vẽ chắc sẽ hết tháng lương. Nếu không cho con học sẽ thua kém bạn bè”.
Gánh nặng đầu năm học mới không chỉ là nỗi lo của phụ huynh nghèo mà còn là nỗi lo thường niên của các bậc phụ huynh có con em đang độ tuổi đến trường. Mỗi cấp học có cái lo khác nhau. Nhưng các bậc phụ huynh, dù khó khăn, thắc thỏm vẫn cố gắng lo để con đến trường.
P. MAI