Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN)
Trong khi có một số địa phương đề xuất tạm ngưng mô hình trường học mới (VNEN), thì ngành GD-ĐT Tiền Giang vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình này ở bậc tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) trên tinh thần tự nguyện của nhà trường và phụ huynh học sinh. Đó là khẳng định của bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và bà cho biết:
Mô hình trường học mới (VNEN) được xây dựng và phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm.
Các đặc trưng cơ bản của VNEN thể hiện đầy đủ những xu thế của giáo dục hiện đại trên thế giới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết
29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của BCH Trung ương Đảng; Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội; Quyết định 404/QĐ-CP ngày 27-3-2015 của Chính phủ; Quyết định 2632/QĐ-BGDĐT ngày 24-7-2015 và dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, đã được công bố ngày 5-8-2015.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, mô hình này Tiền Giang bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2012 - 2013. Lúc đó, toàn tỉnh chỉ có Trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh (TP. Mỹ Tho) được chọn thực hiện thí điểm.
Đến năm học 2014 - 2015, với tinh thần tự nguyện, toàn tỉnh đã nhân rộng thêm 12 trường tại các địa phương: Huyện Cái Bè, TX. Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông - mỗi địa phương 1 trường; huyện Cai Lậy và TP. Mỹ Tho - mỗi địa phương 2 trường. Năm học 2015 - 2016 nâng lên 48/225 trường, đựợc rải đều tại 10/11 huyện (thị, thành) trong toàn tỉnh.
* PV: Bà có thể đánh giá mô hình này có phù hợp với ngành GD-ĐT Tiền Giang?
* Bà Trần Thị Quý Mão: Sau 2 năm thực hiện thí điểm, với kết quả thực tế cho thấy chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực: Giáo viên (GV) thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy; học sinh (HS) giao tiếp mạnh dạn hơn, làm quen với phương pháp tự học và kết quả học tập so với chương trình hiện hành được nâng lên…
VNEN thay thế phương pháp dạy học truyền thống, do HS giữ vai trò trung tâm, GV là người hướng dẫn, đồng hành cùng với HS giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học ở lớp, vì thế đòi hỏi GV phải chủ động tự học, tự tìm tòi, tự bồi dưỡng, nếu không sẽ lạc hậu, không tiếp cận kho kiến thức vô tận mà HS tự tìm tòi, nghiên cứu qua các phương tiện.
Mô hình trường học mới (VNEN) được đưa vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh (TP. Mỹ Tho) từ năm học 2012 - 2013. |
Khó khăn lớn nhất mà ngành GD-ĐT Tiền Giang đang gặp phải là thiếu cơ sở vật chất, vì VNEN đòi hỏi các trường phải dạy 2 buổi/ngày, trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa thể đáp ứng.
Ở một số trường có HS/lớp khá đông nên khó khăn trong việc bố trí nhóm, góc học tập và trang trí lớp học.
Mặt khác, để thay đổi cách học, cách dạy truyền thống đã gặp không ít khó khăn do GV chưa có kinh nghiệm, HS chưa quen với phương pháp học mới và cơ sở vật chất chưa phù hợp, đòi hỏi GV dành nhiều thời gian để giúp HS làm quen với cách học mới.
Đối với bậc THCS, việc xét khen thưởng cuối năm gặp khó, do vừa có lớp cũ vừa có lớp mới. Lớp mới không xếp loại xếp hạng HS, chỉ có điểm kiểm tra học kỳ. Học sinh lớp VNEN có điểm thi từ 5 điểm trở lên mới hoàn thành môn học, nếu dưới 5 điểm phải rèn luyện thêm (thiệt thòi hơn lớp cũ) và chưa có căn cứ cụ thể để xét khen thưởng cuối năm. Vả lại, chưa có mẫu đánh giá HS thống nhất giữa các trường: Mẫu đánh giá học nhóm, mẫu phụ huynh tham gia đánh giá HS, nhật ký bộ môn…
Nhìn chung, việc triển khai mô hình trường học mới hiện nay đã phù hợp với giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, đối với bậc THCS, vì mới tiếp cận cho nên vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trong đội ngũ cán bộ quản lý và GV.
* PV: Trong năm học 2016 - 2017, Tiền Giang nhân rộng mô hình này ra bao nhiêu trường, thưa bà?
* Bà Trần Thị Quý Mão: Như phần trình bày ở trên, phương pháp dạy học của mô hình trường học mới nhằm hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học, HS được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân; nội dung học thiết thực, gắn kết với đời sống thực tiễn hàng ngày của HS; kế hoạch dạy học được bố trí linh hoạt... và đây cũng là những yêu cầu của chương trình giảng dạy phổ thông năm 2018 sắp tới.
Do đó, những nơi nào được tiếp cận trước sẽ thuận lợi cho việc giảng dạy sau này. Tuy nhiên, để được phụ huynh học sinh và xã hội đồng tình hưởng ứng thì Bộ GD-ĐT phải thay đổi cách đánh giá, nghĩa là khi HS học chương trình gì thì đến kỳ thi THPT phải thi chương trình đó.
Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, ngành GD-ĐT Tiền Giang tiếp tục nhân rộng mô hình này trên tinh thần tự nguyện của nhà trường và phụ huynh học sinh. Cụ thể, bậc TH sẽ nhân rộng 29 trường và bậc THCS do chưa có nguồn nên tiếp tục thực hiện tại 2 đơn vị của TP. Mỹ Tho, tuy nhiên số lớp được tăng thêm 5 lớp và mở rộng đến HS khối lớp 7: THCS Bảo Định (4 lớp) và THCS Trung An (4 lớp), với tổng số 280 HS.
* PV: Xin cảm ơn bà!
P. MAI (lược ghi)