Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề
Những năm gần đây, công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, dẫn đến hầu hết các trường cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Nhìn nhận thực trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh, các trường đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh và công tác đào tạo để thu hút học viên.
Học viên trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang trong giờ học thực hành. |
KHÓ TUYỂN ĐỦ
TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng Trường CĐN Tiền Giang cho biết, năm 2014 trường chỉ tuyển được 466/1.260 chỉ tiêu (giảm 24% so với năm 2013); đến năm 2015, tỷ lệ tuyển sinh của trường đạt 51% chỉ tiêu, mặc dù đội ngũ thầy cô giáo đầy đủ, tâm huyết, có năng lực; trường khang trang, trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng đào tạo người thợ có tay nghề cao và công tác tuyển sinh được trường tổ chức khá tốt, với nhiều hình thức phong phú như:
Tổ chức đố vui có thưởng khi tư vấn; thông báo tuyển sinh trên Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài cấp huyện; tư vấn qua điện thoại cho các em có nhu cầu; tổ chức cho học sinh khối lớp 9 đến tham quan trường…
Ông Lê Phước Tân, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy và Trường Trung cấp Nghề khu vực vực Gò Công. Các cơ sở đào tạo nghề khác, Sở LĐ-TB&XH chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 là 14.701. Trong đó, cao đẳng trở lên là 2.101, trung cấp 4.732, sơ cấp và dưới 3 tháng là 7.868. Về quyền lợi của học viên, sẽ được đào tạo bởi đội ngũ giáo viên giỏi, thực hành trên hệ thống thiết bị tương đối hiện đại, học sinh ở xa được ở ký túc xá, sau khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm. Thời gian qua, hơn 84% học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định, với mức thu nhập trên 4,5 triệu đồng/tháng… |
Năm học 2016 - 2017, với chỉ tiêu tuyển sinh là 900, kể cả cao đẳng và trung cấp, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có khoảng 50% em nộp hồ sơ xét tuyển.
TS. Phạm Châu Long nhìn nhận: “Công tác tuyển sinh của trường ngày càng khó khăn hơn, do trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở đào tạo nghề và những cải cách về tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT đã thu hút gần hết nguồn tuyển sinh học nghề.
Được giao chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn nhưng tuyển sinh không đáp ứng quy mô đào tạo, một số ngành học không có hoặc rất ít em đăng ký học, khiến trường hoạt động rất khó khăn. Năm nay, trường dự kiến tỷ lệ tuyển sinh đạt từ 60 - 70%” chỉ tiêu.
Theo cô Nguyễn Thị Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Công đoàn, năm nay chỉ tiêu của trường tuyển 100 học viên hệ trung cấp, nhưng đến giờ chỉ có 50 học viên nộp hồ sơ. Ngành Công tác xã hội là ngành mới, hy vọng sẽ thu hút nhiều học viên…”.
Vì sao các trường CĐN, TCN khó tuyển đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên? Đa số các trường cho rằng, do các nguyên nhân: Sự phát triển ồ ạt mạng lưới các trường đại học kéo theo hệ lụy mà xã hội đang phải đối mặt, đó là thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Mặt khác, tư duy bằng cấp của phụ huynh và nhà tuyển dụng vẫn còn rất nặng, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ tuyển người có bằng đại học nên các phụ huynh muốn con mình học đại học để dễ xin việc làm…
NÂNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Để thu hút học viên, các trường CĐN, TCN tổ chức triển khai phương án, kế hoạch tuyển sinh đến tất cả học sinh các trường THPT, THCS và xuống tận các xã trong toàn tỉnh tư vấn tuyển sinh; hứa sẽ giải quyết việc làm sau đào tạo, trong đó có hơn 80% có việc làm ổn định…
TS Phạm Châu Long, Hiệu trưởng Trường CĐN Tiền Giang tâm đắc: “Để làm được điều đó, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, để khi học viên ra trường có tay nghề cao.
Từ năm 2013, nhà trường tiến hành dạy nghề gắn với sản xuất - dịch vụ, học viên rất phấn khởi, vừa học vừa làm có thu nhập. Nhà trường gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để người học sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, người sử dụng lao động không phải đào tạo lại.
Hiện tại, với cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên của nhà trường đủ đáp ứng cho 3.000 học viên. Nhà trường đang có dự án, được Tổng cục Dạy nghề đầu tư xây mới nhà xưởng với kinh phí trên 50 tỷ đồng”.
Học viên Trường CĐN Tiền Giang trong giờ học thực hành. |
“Hiện trường tiếp tục tuyển sinh đợt 3, đợt 4, kéo dài đến tháng 11-2016 và tuyển sinh các lớp đào tạo nghề ngắn hạn suốt năm học. Trường CĐN Tiền Giang thực hiện liên kết với các trường đại học: Vĩnh Long, Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mở các lớp đại học, cao học nhiều ngành nghề: Điện công nghiệp, Ô tô, Kỹ thuật xây dựng… Hy vọng, năm học mới sẽ tuyển sinh được nhiều sinh viên, học viên” - TS Phạm Châu Long cho biết thêm.
“Có thể nói, ngày các em làm lễ ra trường là ngày các em đi làm. Các ngành nghề như: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn… luôn được các doanh nghiệp đặt hàng trước” - thầy Châu Văn Vương, Hiệu trưởng Trường TCN khu vực Cai Lậy khẳng định.
Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường đạt 80%. Năm 2016 - 2017, nhà trường rất phấn khởi với tỷ lệ tuyển sinh gần đạt 100%, nhờ thực hiện nhiều giải pháp: Tăng cường công tác tuyển sinh; đầu tư cơ sơ vật chất, trang thiết bị; nâng chất lượng đào tạo; giới thiệu, tạo việc làm cho học viên khi ra trường…
“Nhà trường vừa được đầu tư xây dựng xưởng mới với kinh phí thực hiện trên 7 tỷ đồng. Tiến hành tuyển sinh quanh năm. Hàng năm, các lớp đào tạo ngắn hạn thu hút trên 1.000 học viên. Thực hiện miễn, giảm học phí, tặng học bổng cho học viên…” - cô Nguyễn Thị Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Công đoàn nói.
Hy vọng rằng, các trường CĐN, TCN trong tỉnh sẽ làm tốt công tác tuyển sinh và công tác đào tạo nghề.
P. MAI