Giáo dục trẻ nhỏ không tham lam
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục. Cùng với việc nhấn mạnh đến vấn đề học tập của các thế hệ thanh, thiếu niên; Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức. Bác đã từng nói trong bài thơ “Nửa đêm” (Nhật ký trong tù): “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Trong câu chuyện hôm nay này chỉ xin đề cập đến khía cạnh giáo dục trẻ: Nhỏ không tham lam để lớn không tham nhũng.
Là con người, lúc còn nhỏ trẻ sống trong vòng tay yêu thương và giáo dục của gia đình để rèn luyện nên nhân cách tốt đẹp sau này. Cách dạy con không tham lam là vấn đề được bậc ông bà, cha mẹ quan tâm và rất có ý nghĩa đối với con cháu của mình trong cả cuộc đời sau đây và cũng là hạnh phúc của các bậc làm ông bà, cha mẹ nếu con cháu mình trở thành công dân tốt.
Biểu hiện trẻ tham lam thường là đòi hỏi nhiều, cái gì cũng muốn dù đã có. Trẻ thường không chịu nhường nhịn hay chia sẻ bất cứ thứ gì, không chỉ với bạn bè mà cả người thân, khi đòi hỏi không đáp ứng thì sinh ra trộm cắp vặt, số tiền thường từ nhỏ đến lớn nếu không được phát hiện kịp thời.
Là cha mẹ, chắc chắn sẽ thấy khó xử và không hài lòng trước thái độ và hành vi này của con. Có người không giữ được bình tĩnh đã đánh đập hoặc chửi mắng con cháu. Ngược lại, nhiều ông bà, cha mẹ chiều con cháu, không xử phạt khi con cháu có biểu hiện và hành vi tham lam. Đó là hành động sai lầm, bởi lâu dần tính tham lam của trẻ sẽ nhiều hơn.
Để khắc phục tình trạng này, ông bà, cha mẹ cần loại bỏ ngay tính tham lam của con cháu từ việc không chiều theo bất cứ thứ gì mà con cháu muốn. Chỉ thưởng khi con cháu ngoan, và cho con cháu thứ con thực sự cần. Ông bà, cha mẹ phải phạt nghiêm khắc khi trẻ phạm lỗi ăn cắp tiền dù nhỏ, nhất là lần đầu, không được dung dưỡng bao che.
Ngoài ra, sự tham lam của con cháu không phải là bản năng, nó chính là thói quen, là tấm gương phản chiếu của ông bà,cha mẹ. Hãy xem lại mình xem có những hành động, thái độ thể hiện sự tham lam, ích kỷ không. Nếu bạn cũng có tính xấu đó, con trẻ dễ bắt chước theo. Hãy sống chan hòa, biết sẻ chia để con bạn được ươm mầm đạo đức ngay từ chính gia đình của mình.
Giáo dục con trẻ không tham lam từ nhỏ cũng góp phần giáo dục nhân cách làm người của trẻ để lớn lên trẻ là một công dân tốt, là ông bà, cha mẹ mẫu mực trong giáo dục con cháu, không vi phạm pháp luật, không sa vào tệ nạn xã hội, trộm cắp, cướp giựt, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội;
Còn nếu lớn lên trẻ là một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì luôn “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, không tham nhũng, tiêu cực. Dĩ nhiên là người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đó phải tiếp tục được sự giáo dục của Đảng, Nhà nước, của gia đình, cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu, trong đó có giáo dục không tham nhũng; đặc biệt là bản thân phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
NHƯ NGỌC