Thứ Tư, 28/09/2016, 14:38 (GMT+7)
.

Phối hợp đa chiều trong công tác giáo dục con em nông dân

Xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) quê tôi hiện có 3 trường: Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó Trường Trung học cơ sở và Trường Mẫu giáo đã được Nhà nước đầu tư xây dựng đạt chuẩn Quốc gia; còn Trường Tiểu học cũng vừa được phê duyệt xây dựng vào năm 2017 theo chuẩn Quốc gia.

Như vậy, hiện nay, cơ sở giáo dục ở xã Thanh Bình cơ bản không còn khó khăn, con cháu có nơi học hành đàng hoàng, gia đình an tâm lao động sản xuất, nhưng cái lo hiện nay là còn một bộ phận con em chưa thật sự ngoan, chưa vâng lời ông bà, cha mẹ, còn ham chơi, có trường hợp bỏ học; nếu tình trạng này không được cải thiện thì giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng thiếu giáo dục ở gia đình và xã hội thì kết quả giáo dục sẽ không được như mong muốn.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh.	Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Nhà trường cần tăng cường giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Từ gia đình, các cháu được cha mẹ nuôi nấng, chỉ bảo, dìu dắt chu đáo, là cơ sở cho sự phát triển thể chất và tinh thần trong tương lai. Tất cả những gì được hình thành từ gia đình sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến các cháu suốt cuộc đời. Thế nhưng, thực tế không phải gia đình nào cũng có ảnh hưởng tốt đối với các cháu. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của tôi là bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo phải sống mẫu mực, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

“Trẻ em như búp trên cành”, “con người sinh ra vốn là thiện”, tác động của gia đình, nhất là gia đình hội viên Hội Nông dân, của nhà trường và xã hội sẽ tạo nên những nhân cách khác nhau. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang gánh vác vai trò to lớn là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, vì vậy mỗi nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục tốt, kết hợp chặt chẽ 3 yếu tố: Nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục các cháu trở thành những công dân có đức, có tài.

VỀ PHÍA NHÀ TRƯỜNG

Mỗi thầy cô giáo phải tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng cho mình cái tâm và thực hiện tốt đạo đức nhà giáo, bởi học sinh luôn coi thầy cô giáo là thần tượng, cho nên thầy cô giáo cần nêu gương sáng, chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói, tác phong làm việc, cho đến trình độ chuyên môn, quan hệ với học trò như người bạn lớn, vừa gần gũi, vừa tin cậy và kiên trì trong giáo dục học sinh, trong đó có giáo dục đạo đức  theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

Đối với những tác động tiêu cực của xã hội, nhà trường cần phối hợp tốt với chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở tăng cường công tác giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh; tăng cường các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính, về sức khỏe vị thành niên, về “cạm bẫy xã hội” để học sinh có đủ kiến thức phòng tránh các tệ nạn xã hội.

Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động để giúp các em biết quý trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị truyền thống, vì giá trị truyền thống là gốc rễ của con người, đứt gốc rễ thì con người không thể tồn tại. Khi các em đã nhận thức được mối hiểm họa từ những luồng văn hóa “đen” thì không cần dùng biện pháp cũng sẽ tránh được.

VỀ PHÍA GIA ĐÌNH

Các thành viên trong gia đình chiếm đa số là hội viên Hội Nông dân, là người trực tiếp lam lũ để cải thiện cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình văn hóa... Nếu cha mẹ bất hòa, gia đình lục đục sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con cháu, dễ nảy sinh những thói hư tật xấu, thậm chí vi phạm pháp luật.

Vì vậy, tôi nghĩ tầm quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng gia đình, bằng cách tiếp tục vận động phong trào toàn dân tiếp tục bồi đắp, xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu xây dựng và giữ vững các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa, trong đó cần chú ý các thành viên trong gia đình phải đoàn kết, thương yêu nhau, đoàn kết hữu nghị với xóm làng, với cộng đồng, tôn trọng pháp luật, nuôi dạy con cháu chăm ngoan.

VỀ PHÍA XÃ HỘI

Phối hợp chặt chẽ công tác xã hội hóa giáo dục để thực hiện phương châm: Toàn xã hội cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh… trong công tác giáo dục, làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, huy động học sinh bỏ học trở lại lớp; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để phát triển giáo dục và đào tạo, vận động các nguồn học bổng, học phẩm… để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời làm tốt công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.

Chúng ta luôn mong các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển; vận động nhân dân tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện lối sống văn hóa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống, đặc biệt là trong thanh, thiếu niên, trong đó có đối tượng học sinh; quản lý thật tốt các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để học sinh vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục, thể thao lành mạnh…

Sự phối hợp đa chiều là nhân tố hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách học sinh, giống như chiếc kiềng ba chân đơn giản, vững chắc và không thể thiếu bất kỳ chân nào. Với mong muốn các cháu trở thành “con ngoan trong gia đình, trò giỏi ở nhà trường, là công dân tốt của xã hội”, tôi hoàn toàn tin tưởng sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý giữa nhà trường với gia đình hội viên Hội Nông dân, các đoàn thể và xã hội trong việc giáo dục con em chúng ta.

Trung tướng NGUYỄN VIỆT THÀNH

.
.
.