Thứ Tư, 02/11/2016, 21:42 (GMT+7)
.

Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Tiền Giang

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 48/2016/QĐ-UBND “Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

Theo đó, Quy định này quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh bao gồm: Thẩm quyền cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; việc thu, sử dụng và quản lý tiền dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Ảnh minh họa: Như Lam
Ảnh minh họa: Như Lam

Quy định này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm, nhà trường, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Các quy định khác liên quan đến dạy thêm, học thêm không được quy định trong Quy định này thì áp dụng theo Thông tư  17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư 17).
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm:

Thực hiện theo Điều 3, Quy định về dạy thêm, học thêm, ban hành kèm theo Thông tư 17.

Các trường hợp không được dạy thêm:

Thực hiện theo Điều 4, Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17.

Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm:

Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình, nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.

Thời gian dạy thêm đối với mỗi môn học thêm:

Bậc trung học phổ thông: Không quá 3 buổi/môn/tuần, mỗi buổi không quá 2 tiết/môn. Bậc trung học cơ sở: Không quá 2 buổi/môn/tuần, mỗi buổi không quá 2 tiết/môn. Chỉ được tổ chức dạy thêm trong khoảng thời gian từ  7 giờ  đến trước  21 giờ; không tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 6 (trừ các nhóm/lớp dành cho học sinh luyện thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 THPT). Cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong ngày chủ nhật và những ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước.

Mức thu tiền học thêm:

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường trong mỗi năm học. Khi thu tiền học thêm, nhà trường sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Sử dụng tiền học thêm:

Nhà trường nộp 2% thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số thu dạy thêm, học thêm. Số còn lại được quy ra 100% để chi: 75% chi thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm; 20% chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; 5% chi cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường.

Thu, sử dụng và quản lý tiền học thêm ngoài nhà trường:

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thỏa thuận định mức chi trả thù lao giảng dạy cho giáo viên dạy thêm; chi phí thuê, mướn cơ sở vật chất, phòng học; chi phí sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy thêm, học thêm; chi phí khác phục vụ dạy thêm, học thêm.

Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm mở đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách theo dõi việc thu, chi và thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích việc hỗ trợ cho các hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ cho học sinh nghèo và tham gia ủng hộ Quỹ Khuyến học, Quỹ Đầu tư giáo dục ở địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18-10-2016.

TUẤN ANH

.
.
.