Thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục Tiền Giang năm 2016
1. Nhân rộng 100% học sinh khối lớp 1 học Chương trình Công nghệ giáo dục:
Chương trình Công nghệ giáo dục là chương trình giáo dục mới, tiên tiến, hướng đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, học sinh được dạy Ngữ âm Tiếng Việt, luật chính tả ngay từ lớp 1. Học xong lớp 1, các em sẽ đọc lưu loát, nắm vững chính tả, không sai về ngữ âm…, không rơi vào tình trạng quên chữ, tái mù.
Thể dục giữa giờ tại Trường THPT Vĩnh Bình. |
Chương trình được ngành GD-ĐT Tiền Giang triển khai lần đầu tiên vào năm học 2014 - 2015 tại 13 trường tiểu học (tỷ lệ 5,7%). Đến năm học 2015 - 2016, Chương trình được triển khai đến 125 trường (tỷ lệ 55,3%) và năm học này là 224 trường (tỷ lệ 100%).
2. Tiếp tục thực hiện Game show “Đường đến Vinh quang”
Năm học 2016 - 2017, Chương trình “Đường đến Vinh quang” bước vào năm thứ 8, với nhiều cải tiến: Tiếp tục mở rộng cho học sinh bậc THPT các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia; được sự bảo trợ thông tin của Báo Mực Tím. 27 cuộc thi tuần, 9 cuộc thi tháng, 3 cuộc thi quý được phát sóng định kỳ trên kênh Truyền hình Tiền Giang. Riêng cuộc thi chung kết năm được truyền hình trực tiếp tại trường quay và các điểm cầu truyền hình tại các trường có thí sinh vào chung kết.
Mỗi cuộc thi, thí sinh tham gia 4 vòng: Xuất phát, Ra khơi, Vượt sóng, Vinh quang. Thí sinh đoạt giải Nhất, ngoài phần thưởng, còn được nhận Vòng nguyệt quế do Ban Tổ chức chương trình trao tặng.
Chương trình được tổ chức lần đầu vào năm học 2009 - 2010, do Đài PT-TH Tiền Giang, Sở
GD-ĐT, Viễn thông Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang phối hợp thực hiện. Lúc đầu, Chương trình chỉ dành cho 36 trường THPT của Tiền Giang. Sau đó, Chương trình được mở rộng cho học sinh THPT 2 tỉnh Bến Tre và Long An. Từ năm học 2013 - 2014, Chương trình được mở rộng cho tất cả học sinh THPT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
3. Tổ chức Hội thi “Hát Quốc ca, thể dục giữa giờ và bài võ cổ truyền Việt Nam”
Năm học 2016 - 2017, lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức Hội thi “Hát Quốc ca, thể dục giữa giờ và bài võ cổ truyền Việt Nam” ở 37 trường THPT. Toàn thể học sinh của các trường dự thi 3 phần: Hát Quốc ca (chấm trong tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần), Tập thể dục giữa giờ (chấm điểm trực tiếp trong tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sau khi hát Quốc ca) và Bài võ cổ truyền (chấm điểm xác suất 2 hoặc 3 lớp/đơn vị).
Mục đích của Hội thi giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc hát Quốc ca ở tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần; việc tập thể dục giữa giờ và tập các bài võ cổ truyền trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên và nghiêm túc trong nhà trường.
4. Công nhận thêm 37 cơ sở giáo dục “Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục”
Đến cuối năm 2016, tỉnh đã công nhận thêm 37 cơ sở giáo dục “Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục” năm học 2015 - 2016 (gồm 11 trường mầm non, mẫu giáo; 18 trường tiểu học; 8 trường THCS); nâng đến nay có 143 cơ sở “Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục” (gồm 37 trường mầm non, 62 trường tiểu học, 38 trường THCS và 6 trường THPT). Trong đó, có 136 trường đạt cấp độ 1, 4 trường đạt
cấp độ 2 và 3 trường đạt cấp độ 3.
Trường Mầm non Hùng Vương 2 đón nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. |
Tiền Giang tham gia kiểm định chất lượng giáo dục lần đầu tiên vào năm học 2009 - 2010. Năm 2014, có 19 trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 (gồm 11 trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT); 1 trường THCS đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và 1 trường THCS đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.
5. Công nhận thêm 32 trường chuẩn quốc gia
Trong năm 2015, có thêm 32 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 17 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường THPT). Với số lượng này, năm 2016 là năm tỉnh có số trường đạt chuẩn quốc gia nhiều nhất từ trước đến nay, nâng tổng số 183 trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh (trong đó có 29 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 29 trường THCS và 5 trường THPT).
6. Khánh thành Nhà lưu niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên
Ngày 17-12-2016, Sở GD-ĐT tổ chức Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên (ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy). Nhà lưu niệm có diện tích 70 m2, kinh phí xây dựng 970 triệu đồng, do công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ngành GD-ĐT Tiền Giang đóng góp và phần trang trí nội thất khoảng 200 triệu đồng do Báo Bình Dương vận động các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đóng góp.
Khánh thành Nhà lưu niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên. |
Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy); hy sinh ngày 10-10-1966 trên chiến trường miền Đông; là tác giả quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” được viết tại chiến trường miền Đông Nam bộ, được tìm thấy và được Báo Bình Dương công bố vào năm 2012. Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba và được truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhì. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục tấm gương Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên từ năm học 2013 - 2014.
7. Tiếp tục duy trì và củng cố kết quả Đề án Phổ cập giáo dục Mầm non trẻ em 5 tuổi (PCGDMN), Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH), Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (PCGDTHCS) một cách bền vững và thực hiện tốt “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”
Thực hiện Đề án PCGDMN của Chính phủ, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra theo đúng tiến độ. Đến thời điểm tháng 8-2014, toàn tỉnh có 172/173 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn PCGDMN (tỷ lệ 99,4%) và có 11 huyện, thành, thị đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ 100%. Trên cơ sở đó, ngày 16-12-2015, UBND tỉnh công bố Quyết định công nhận Tiền Giang đạt chuẩn PCGDMN (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch).
Cũng trong năm 2015, UBND tỉnh đã công nhận 11 huyện, thành, thị đạt chuẩn PCGD và xóa mù chữ, giáo dục THCS năm 2014. UBND tỉnh cũng đã công nhận 11 huyện, thành, thị đạt chuẩn PCGDTH năm 2014 và tỉnh cũng tiếp tục đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH.
Năm 2016, ngành tiếp tục duy trì và củng cố kết quả PCGDMN, PCGDTH và PCGDTHCS một cách bền vững; đồng thời thực hiện tốt “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”.
MINH CHÂU