Để việc dạy thêm, học thêm đúng định hướng
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức Hội thảo “Dạy thêm, học thêm (DT-HT) - thực trạng và giải pháp quản lý trên địa bàn tỉnh”. Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến nêu thực trạng và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động DT-HT đúng định hướng…
* NGƯT NGUYỄN HỒNG OANH, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT:
Dạy thêm - học thêm tràn lan làm hạn chế tư duy của học sinh
Năm học 2016 - 2017, Sở GD-ĐT đã cấp giấy phép cho 35 tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường, trong đó địa chỉ giảng dạy là 96 điểm, với 119 phòng học đạt chuẩn, 205 giáo viên đăng ký. Ngoài ra, có 37 trường THPT đăng ký và được cấp phép DT-HT trong nhà trường. So với thực tế, số lượng tổ chức, cá nhân được cấp phép DT-HT trong và ngoài nhà trường còn rất hạn chế. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở GD-ĐT đã phát hiện và xử lý 28 trường hợp vi phạm về DT-HT, với số tiền phạt trên 100 triệu đồng.
Hoạt động DT-HT được xem là phong trào học tập, được khuyến khích nhằm kèm cặp, bổ trợ kiến thức đối với những học sinh yếu, kém, trung bình; bồi dưỡng học sinh giỏi. Trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức ngành GD-ĐT dù đã được phổ biến các quy định về DT-HT theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, nhưng vẫn còn những hành vi sai trái trong hoạt động DT-HT.
DT-HT tràn lan sẽ làm hạn chế tư duy sáng tạo của học sinh, dần sẽ tạo ra một thế hệ học sinh thụ động, thiếu tính tích cực. Cụ thể, ở trên lớp, giáo viên không dạy hết kiến thức, mà để dành cho lớp học thêm; hay ra những dạng bài “trúng tủ” trong các kỳ thi, kiểm tra cuối kỳ... Những thực tế này đã khiến DT-HT có nhiều biến tướng, mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành hiện tượng xấu, bị xã hội lên án. Vì thế, làm sao để hạn chế việc DT-HT tràn lan, Sở GD-ĐT cùng các cấp, các ngành đã đưa ra nhiều giải pháp. Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trường học công khai số điện thoại của Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT để người dân có thể phản ánh về hoạt động DT-HT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và liên tục tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề về DT-HT.
* BÀ NGUYỄN THỊ TUYẾT VÂN, PHÓ BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH:
Cần có cách quản lý dạy thêm - học thêm phù hợp
Nhiều điều, khoản trong Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về DT-HT không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 4 và Điều 12 của Thông tư này.
Đối với UBND tỉnh, cần chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Cục Thuế và Sở Tư pháp thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn việc thu, chi và nộp thuế DT-HT; cho phép thu lệ phí đăng ký cấp phép DT-HT ngoài nhà trường của các tổ chức, cá nhân để chi bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện thẩm định, cấp phép và thanh tra, kiểm tra hoạt động DT-HT từ tỉnh đến cơ sở. Quy định chi tiết về điều kiện tối thiểu cần đạt để đủ điều kiện đăng ký DT-HT...
Đối với Sở GD-ĐT, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về DT-HT trong cộng đồng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành trong việc kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân dạy thêm trái phép. Tăng cường tuyên truyền về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và ý nghĩa của việc DT-HT trong đội ngũ giáo viên…
* ÔNG LÊ VĂN DŨNG, TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT TP. MỸ THO:
Quản lý chặt chẽ giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường
Mặc dù có sự quản lý và chỉ đạo chặt chẽ, song việc DT-HT trái quy định, DTHT chưa được cấp phép trong và ngoài nhà trường, dạy thêm ở bậc tiểu học... vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Để hạn chế việc DT-HT tràn lan, UBND TP. Mỹ Tho đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường quản lý, kiểm tra, gửi danh sách những trường hợp giáo viên cư ngụ tại địa bàn tổ chức dạy thêm nhưng chưa có phép và tổ chức tuyên truyền chủ trương DT-HT trong nhân dân. Giao Phòng GD-ĐT tổ chức rà soát việc giảm tải chương trình giảng dạy theo quy định. Mở rộng công tác thanh tra, giám sát của các đoàn thể ở địa phương và trong nhà trường, của hội phụ huynh học sinh. Xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động DT-HT…
* BÀ VÕ THỊ THÚY LAN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS XUÂN DIỆU, TP. MỸ THO:
Tạo điều kiện để giáo viên đăng ký dạy thêm trong nhà trường
Năm học 2016 - 2017, có 24 giáo viên của trường đăng ký dạy thêm tại trường (dạy 479 học sinh) và 54 giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường đã được UBND TP. Mỹ Tho cấp giấy phép. Trong công tác quản lý DT-HT, nhà trường thành lập Ban Quản lý DT-HT với 9 thành viên, do Hiệu trưởng làm Trưởng ban, thực hiện rất chặt chẽ. Song song đó, nhà trường còn phối hợp với chính quyền các phường, xã theo dõi việc DT-HT của giáo viên nhà trường, nếu có phản ánh thì Ban Quản lý DT-HT nhà trường kịp thời chấn chỉnh và xử lý.
Nhà trường còn áp dụng nhiều giải pháp quản lý để chấn chỉnh, ngăn ngừa sự biến tướng của DT-HT như: Quán triệt chủ trương DT-HT trong Hội đồng sư phạm, cha mẹ học sinh; công khai số điện thoại của Hiệu trưởng nhà trường; thù lao chi cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường tương đồng nhau; đầu tư cơ sở vật chất để thu hút giáo viên dạy thêm tại trường; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về DT-HT, nhất là gây khó khăn, o ép học sinh; theo dõi, quản lý chặt chẽ giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường.
P. MAI
(thực hiện)