3 phương thức tuyển sinh đại học vừa làm vừa học
Cơ sở đào tạo quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh vừa làm vừa học (VLVH).
Đây là nội dung tại Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo VLVH trình độ đại học.
Quy chế này áp dụng đối với đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, bao gồm cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng (cơ sở đào tạo) được giao nhiệm vụ đào tạo VLVH trình độ đại học; các tổ chức và cá nhân có liên quan đến quá trình đào tạo VLVH trình độ đại học.
Thông tư quy định rõ điều kiện tuyển sinh và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo. Theo đó, cơ sở đào tạo được tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo VLVH trình độ đại học đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ; đã công bố công khai Thông báo tuyển sinh VLVH trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh, địa điểm tổ chức tuyển sinh chậm nhất 3 tháng trước ngày tuyển sinh; có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu thực hiện đồng thời các chương trình đào tạo chính quy và các chương trình đào tạo VLVH…
Đối tượng tham gia tuyển sinh VLVH được thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành.
Đào tạo VLVH được tổ chức và quản lý theo tín chỉ. Người học VLVH có thể học và thi để tích luỹ một số tín chỉ cùng với hệ đào tạo chính quy.
Đầu khóa học, cơ sở đào tạo VLVH phải thông báo cho người học về chương trình đào tạo toàn khóa, đề cương chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo; kế hoạch học tập; kế hoạch kiểm tra, thi; các quy định khác của cơ sở đào tạo có liên quan đến khóa học.
Điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2017.
(Theo chinhphu.vn)