Cân nhắc lựa chọn ngành học phù hợp
Hơn 3.500 học sinh đến từ các trường trung học phổ thông (THPT) trong tỉnh vừa tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Tiền Giang. Chương trình là cầu nối trao đổi thông tin, giúp thí sinh (TS) định hướng nghề nghiệp, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.
Các em đặt câu hỏi tư vấn tại buổi tư vấn tuyển sinh. |
ĐỀ THI VỪA SỨC VỚI TS
Đó là khẳng định của TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017. Thông tin một số nội dung cơ bản về kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, TS. Sái Công Hồng lưu ý trong lịch trình tổ chức thi: “Từ ngày 1 đến 20-4 sẽ tiến hành đăng ký dự thi; đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH và các trường cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên việc xét tuyển còn được điều chỉnh 1 lần sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia. Từ ngày 21 đến 25-4, các đơn vị đăng ký dự thi phải in nội dung TS đã đăng ký, rà soát lại và ký xác nhận”.
Về lịch thi, chiều 21-6 TS đến địa điểm thi nhận phòng thi, nghe phổ biến quy chế và hướng dẫn làm bài thi. Sáng 22-6, các em thi môn Văn học với hình thức tự luận, thời gian 120 phút; chiều cùng ngày thi môn Toán thời gian 90 phút, trắc nghiệm 50 câu hỏi với 4 lựa chọn. Sáng 23-6, TS thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên với 3 môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học; mỗi môn 50 phút, với 40 câu hỏi trắc nghiệm. Sau khi làm bài môn Vật lý và Hóa học, TS phải nộp lại toàn bộ đề thi và giấy nháp, phiếu trả lời trắc nghiệm được giữ nhưng phải úp lại. Chiều 23-6, TS thi Ngoại ngữ thời gian 60 phút, với 50 câu hỏi trắc nghiệm. Sáng 24-6, TS thi tổ hợp Khoa học xã hội, mỗi môn 40 câu trong thời gian 50 phút.
TS. Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) triển khai một số thông tin kỳ thi tốt nghiệp năm 2017 đến các em học sinh. |
Trong quá trình làm bài thi tổ hợp chỉ có 1 phiếu duy nhất trả lời trắc nghiệm 120 câu hỏi. Cả 3 môn thành phần, 3 mã đề thi sẽ trùng mã đề thi với nhau, TS chỉ cần tô 1 mã đề thi môn thi đầu tiên của bài tổ hợp. Nếu mã đề không trùng với môn trước phải báo ngay với giám thị, tránh trường hợp chệch mã đề sẽ dẫn đến điểm liệt. TS có thể lựa chọn 1 trong 6 ngoại ngữ để thi, kể cả ngoại ngữ không học trên lớp.
Đối với đề thi, TS. Sái Công Hồng khẳng định: “Đề thi có 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Nội dung đề thi thuộc lớp 12. Ở các bài thi trắc nghiệm, mỗi TS 1 mã đề khác nhau. 4 phương án trả lời không còn chia theo tỷ lệ 25%, mà năm nay có phương án chỉ có 10% đáp án đúng. Nếu các em lỡ chọn 10% đáp án đúng sẽ bị điểm liệt. Các câu hỏi sẽ được xáo trộn từ dễ đến khó, cho nên TS làm lần lượt từ trên xuống dưới, không cần đọc toàn bộ đề thi để tránh mất thời gian. Bài thi được chấm bằng máy quét, với phần mềm riêng, hoàn toàn công bằng. Đề thi vừa sức với TS và đã được khảo sát ở học sinh lớp 12 trên các vùng miền”.
TS. Sái Công Hồng cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đang cố gắng xây dựng một vài đề thi tham khảo ôn tập trực tuyến, xây dựng phần mềm ôn tập trực tuyến, khoảng đầu tháng 5 sẽ công bố lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ giúp các em sau khi hoàn thành chương trình có thể ôn luyện trực tuyến”.
CHỌN NGÀNH TRƯỚC KHI CHỌN TRƯỜNG
Ngoài tư vấn tuyển sinh, các trường ĐH, cao đẳng trong và ngoài tỉnh còn tư vấn - hướng nghiệp cho các em làm sao chọn đúng ngành nghề mình yêu thích. Để đảm bảo học nghề đúng nhu cầu xã hội, các em phải xác định được ngành nghề nào phù hợp với bản thân. TS. Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tư vấn: “Các em nên chọn ngành theo đam mê rồi hãy chọn trường. Vì hiện nay, nhiều em chọn ngành, chọn trường theo tác động của gia đình; chạy theo giá trị xã hội (tự hào khi học trường nổi tiếng). Bên cạnh đó, tùy theo hoàn cảnh gia đình mà các em nên cân nhắc chọn trường cho phù hợp”.
Để phụ huynh và học sinh thay đổi suy nghĩ chạy theo giá trị xã hội mà bắt con em mình thi vào trường nổi tiếng, hay theo phong trào, các trường THPT là đơn vị chủ yếu để định hướng cho các em. TS. Lê Tuấn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng: “Hiện nay có nhiều trường THPT còn mang nặng tư tưởng thành tích như: Đối với các em học lực không tốt nhưng thay vì định hướng các em chọn học trung cấp lại định hướng các em vào các trường ĐH có điểm chuẩn thấp để lấy thành tích về tỷ lệ đậu ĐH. Cho nên các em phải chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực của mình, đừng để mất thời gian học ngành, trường mà mình không thích”.
Tại buổi tư vấn chuyên sâu về chọn ngành, chọn trường, các em đã đặt rất nhiều câu hỏi so sánh về chương trình giảng dạy ĐH, chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm khi ra trường giữa các trường có ngành học tương đương nhau. Em Võ Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Côn hỏi: “Em muốn học ngành Kinh tế, chương trình đào tạo giữa Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có gì khác nhau, học trường nào tốt hơn?”. TS. Trần Thế Hoàng trả lời: “Khi đã chọn ngành yêu thích, phù hợp với năng lực của mình, việc chọn trường ngoài so sánh chương trình đào tạo, các em cần tìm hiểu, so sánh thêm về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… để có chọn lựa chính xác.
Việc lựa chọn ngành học, trường học không chỉ dựa trên các yếu tố về cơ hội việc làm, mức tuyển sinh đầu vào… mà phải xuất phát từ năng lực, niềm đam mê, sở thích của bản thân; từ đó mới có thể phát huy được khả năng trong quá trình học tập cũng như làm việc sau khi ra trường”.
P. MAI