Thứ Ba, 28/03/2017, 06:23 (GMT+7)
.

Chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ": 4 gương mặt vượt khó

Dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng 3 sinh viên (SV), trong đó có 2 SV Trường Đại học Tiền Giang là:

Lý Ngọc Hương (ngành Kế toán khóa 15) và Huỳnh Minh Tấn (ngành Khoa học cây trồng); SV Nguyễn Viết Khoa, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và em Lâm Trần Phát Đạt (học lớp 25, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho) luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập, là 4 trong số 140 HS, SV quê Tiền Giang được Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” lần thứ X, do Báo Ấp Bắc tổ chức, Công ty cổ phần Hùng Vương tài trợ xét trao.

* SV LÝ NGỌC HƯƠNG: Gắng học để có việc làm lo cho ba mẹ

Căn nhà của gia đình Hương trong một con hẻm nhỏ ở phường 2, TP. Mỹ Tho. Nói là nhà nhưng 2 bên vách tường là của nhà hàng xóm. Mái nhà thì căng mấy tấm bạt để che nắng, che mưa vì nhiều chỗ tôn đã bị mục.

Tôi nhìn quanh không thấy có vật gì đáng giá trong nhà. Nền nhà thì thấp hơn mặt đường gần 5 tấc. Ông Lý Quốc Vinh (ba Hương) vừa chạy “xe ôm” về, gương mặt khắc khổ, cho biết: “Mùa mưa hay những lúc triều cường dâng là nền nhà bị ngập. Còn mái nhà, hễ dột chỗ nào thì tôi đi xin bạt về che chỗ đó...”.

Ba Ngọc Hương chạy “xe ôm” gần 20 năm nay, mỗi ngày thu nhập chưa đến 100 ngàn đồng. “Có lẽ do thấy chiếc cúp quá đỗi “cà tàng” và sức tôi lại yếu nên ít người thuê chở” - ông tâm sự. Mẹ Hương bị bệnh, không thể làm việc nặng, đã nghỉ buôn bán cách nay hơn 5 năm. Hiện kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập chạy “xe ôm” của ba Hương. Ngọc Hương xúc động: “Chị của em đã đi lấy chồng xa. Em phải cố gắng học tập tốt, mong có việc làm để lo cho ba mẹ...”.

Được sự động viên của ba mẹ, ngày ngày Hương cố gắng đạp xe gần 10 km đến giảng đường. Ngọc Hương đang tìm việc làm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập chi tiêu cho việc học, giảm bớt gánh nặng cho ba.

* SV NGUYỄN VIẾT KHOA: Học tốt để không phụ lòng mẹ

Nguyễn Viết Khoa quê xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông; hiện là SV năm thứ 3 của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Ba mất sớm, mẹ tuổi cao sức yếu, người chị lớn bị bệnh “khù khờ” và mắc bệnh vảy nến, người chị kế đã lập gia đình riêng, nên từ nhỏ Khoa luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mẹ đã vất vả vì các con.

Thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (Khoa Điện - Điện tử) với số điểm khá cao, ngoài giờ học, Khoa tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt hằng ngày. Biết mình tiếp tục nhận được học bổng “Chắp cánh ước mơ”, Khoa tâm sự: “Em hứa sẽ sử dụng số tiền này đúng mục đích và cố gắng học tập thật tốt để đáp lại sự quan tâm của đơn vị tài trợ và Báo Ấp Bắc...”.

* SV HUỲNH MINH TẤN: Ước mơ tìm được công việc phù hợp

Ba Tấn mất khi em còn nhỏ. Do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên anh của Tấn buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho Tấn. Tấn cho biết, những năm học bậc THCS và THPT, từ nhà đến trường 4 - 5 cây số, em thường đi bộ do gia đình không khả năng mua chiếc xe đạp. Biết mẹ và anh vì mình, Tấn đã quyết tâm học giỏi.

Tấn chọn thi vào Khoa Kỹ thuật nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm (chuyên ngành Khoa học cây trồng) vì nghĩ rằng ngành này khi ra trường sẽ dễ xin việc làm. Tấn chia sẻ: “Nhà không đất sản xuất, anh và mẹ đi làm thuê nuôi em ăn học, nên em luôn tự nhủ phải học thật tốt, chọn ngành học có nhiều cơ hội xin việc làm sau khi ra trường để kiếm tiền lo cho mẹ”.

Được biết, Tấn quê xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy. Thi  đậu vào Trường Đại học Tiền Giang, em đã thuê phòng trọ để ở cho tiện việc học. Để có tiền lo cho con ăn học, dù sức khỏe kém do mang nhiều chứng bệnh, nhưng bà Bùi Thị Bé Thủy (mẹ Tấn) đã xuống Mỹ Tho xin làm công nhân may giày da cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, sáng đi - chiều về có xe đưa rước, tối ở trọ cùng con để tiện bề chăm sóc con.

Tấn không ngần ngại chia sẻ: “Mẹ tuổi cao lại đi làm xa, em lo lắm. Năm thứ nhất và năm thứ hai em tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải học phí. Năm nay, do bài vở khá nhiều nên mẹ chưa cho đi làm thêm. Mẹ thường khuyên nhủ, động viên em phải cố gắng học hành để không phụ lòng mẹ và anh”.

Biết mình sẽ được nhận học bổng “Chắp cánh ước mơ”, Tấn mừng rỡ, vì có thêm khoản tiền để trang trải chi phí việc học.

* LÂM TRẦN PHÁT ĐẠT: Cố gắng học giỏi để bà vui

Do cha mẹ vướng vào vòng lao lý, nên từ nhỏ em Trần Lâm Phát Đạt về sống với bà ngoại. Hằng ngày bà Trần Kim Chi (bà ngoại của Đạt) phải lặn lội khắp các con đường, ngõ hẻm bán từng tờ vé số kiếm lời. Nhìn cảnh căn nhà cũ kỹ, thiếu trước hụt sau khiến ai một lần đến thăm cũng phải xao lòng.

Bà Chi tâm sự: “Tôi đã lớn tuổi sức yếu, lại mang căn bệnh đau nhức dai dẳng, không biết lo được cho cháu tới đâu, chỉ biết cố gắng ngày nào hay ngày đó!”. Với Đạt, cố gắng học giỏi để bà vui. Ở trường, Đạt là học sinh chăm ngoan, học giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến.

PHƯƠNG MAI - ĐỖ PHI

.
.
.