Để tâm hồn thăng hoa từ thói quen đọc sách
Do việc học nhiều và ngày càng có nhiều phương tiện giải trí, học sinh, sinh viên (HS-SV) dành rất ít thời gian để đọc sách. Để khắc phục thực trạng này, các trường đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao ý thức đọc của HS-SV.
Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đọc sách tại thư viện. |
DÀNH ÍT THỜI GIAN ĐỌC SÁCH
Ai cũng biết, đọc sách đem lại nhiều lợi ích, giúp HS-SV có thêm nhiều kiến thức để học tốt hơn. Ngoài ra, đọc sách còn giúp người đọc tự hoàn thiện mình về kỹ năng sống, những thói quen tốt... từ sách.
Theo khảo sát tại Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG), đa số SV chọn đọc các quyển sách về những môn có liên quan đến chuyên ngành đang theo học.
Tuy nhiên, vì lịch học nhiều, nên thời gian dành cho đọc sách của SV ít. Bạn Nguyễn Bảo Nhã Yến (SV khóa 15, Cao đẳng Sư phạm Sinh - Hóa, Trường ĐHTG) cho biết: “Do lịch học nhiều nên mỗi ngày em chỉ đọc sách từ 45 - 60 phút ở thư viện. Em thường đọc các sách thuộc chuyên ngành của mình đang học để trau dồi kỹ năng sư phạm và có thêm kiến thức nền để làm các bài tập và phục vụ giảng dạy sau này”.
Xã hội ngày càng phát triển với nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến SV ít đọc sách. Bạn Nguyễn Thanh Minh (Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐHTG) cho biết: “Ngoài việc mượn sách của thư viện để tham khảo làm các bài tập và ôn thi, hầu như em rất ít đọc sách. Em thích những phương tiện giải trí hấp dẫn và trực quan như tivi và Smartphone hơn...”.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin - Thư viện (TT-TV) của Trường ĐHTG, năm 2016 có tổng cộng 19.889 lượt SV mượn sách, tài liệu tại thư viện và 19.949 lượt tải về tài liệu số từ thư viện điện tử của trường. Cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, Giám đốc Trung tâm TT-TV cho biết: “Nhu cầu mượn sách và sử dụng nguồn học liệu tại thư viện của SV vào đầu mỗi học kỳ và mùa thi rất cao để làm tài liệu học tập, ôn thi”.
Không riêng SV, học sinh (HS) cũng không có nhiều thời gian để đọc sách, do lịch học ở trường và học thêm nhiều, nhất là HS các trường trung học phổ thông (THPT). Em Hồ Thị Kim Phấn (Lớp 11.B1, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Mỗi ngày, thời gian dành cho việc đi học của em rất nhiều, gồm 2 buổi ở trường và đi học thêm vào buổi tối, nên em chỉ đọc sách chỉ khoảng 1 giờ mỗi ngày. Em thường mua những sách tham khảo của các môn học ở trường để về nhà tham khảo...”.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG KHUYẾN KHÍCH HS-SV ĐỌC SÁCH
Nhằm đáp ứng nhu cầu mượn sách và tài liệu của SV, từ năm học 2011- 2012, Trung tâm
TT-TV, Trường ĐHTG đã xây dựng 3 thư viện chuyên ngành phục vụ cho giảng viên và SV các khối: Sư phạm; Kinh tế - Luật; Xây dựng - Công nghệ; Nông nghiệp - Công nghệ thực phẩm. Ngoài ra, trường đã ký Hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH tài liệu trực tuyến VINA xây dựng, phát triển và vận hành thư viện số để cán bộ, giảng viên và SV nhà trường truy cập và sử dụng tài nguyên.
Học sinh với hoạt động ”Văn hóa đọc”. |
Theo cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, hằng năm Trung tâm TT-TV nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào Văn hóa đọc trong SV như: Hội thi “Kể chuyện về những tấm gương anh hùng qua các thời kỳ”, Hội thi “Đọc sách chuyên ngành”, Hội thi hùng biện “Quyển sách hay trên bước đường khởi nghiệp”... thu hút đông đảo SV tham gia. Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, Trung tâm TT-TV nhà trường tổ chức trưng bày các tên sách theo chủ đề, trưng bày bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa và các đầu sách về biển, đảo thu hút sự quan tâm của SV. Qua đó, giúp số lượng SV đến đọc và mượn sách tại thư viện tăng đều qua từng năm.
Để khuyến khích HS-SV tích cực đọc sách, các trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép vào chương trình học, nhằm thu hút HS-SV đến với thư viện. Cô Trương Thị Ngọc Hoa, quản lý thư viện Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, nhằm thu hút HS đọc sách, thư viện đã phối hợp với giáo viên các bộ môn tổ chức các hoạt động cho HS học tập và nghiên cứu sách như: Phối hợp với giáo viên Tổ Giáo dục công dân và Tổ Văn thực hiện hoạt động “Văn hóa đọc”, tổ chức nhiều tiết đọc và viết cảm nhận về sách cho học sinh các lớp 10, 11, thu hút hơn 1.200 HS tham gia… Qua đó, giúp ý thức đọc của HS được nâng lên, HS đến mượn và đọc sách tại thư viện ngày càng tăng. Ngoài ra, hằng năm, trường còn đầu tư kinh phí mua thêm nhiều sách mới, đáp ứng nhu cầu học tập HS.
PHAN THẮNG