Thứ Sáu, 21/04/2017, 10:48 (GMT+7)
.

Trường nghề - khó khăn trong công tác tuyển sinh

Từ ngày 1-1-2017, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với các trường (thay vì Bộ GD-ĐT quản lý). Theo đó, tất cả trường trung cấp, cao đẳng (trừ khối sư phạm) sẽ tuyển sinh theo quy chế của Bộ LĐ-TB&XH. “Vạn sự khởi đầu nan”, các trường nghề trong tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác tuyển sinh.

Hơn 80% học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang tốt nghiệp có việc làm theo nghề đã đào tạo.
Hơn 80% học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang tốt nghiệp có việc làm theo nghề đã đào tạo.

KHÓ TUYỂN SINH

Trước ngày 1-1-2017, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang chịu sự quản lý toàn diện của UBND tỉnh, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT và sự quản lý về chuyên môn của Bộ Y tế. Nhà trường đào tạo: Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y học có trình độ cao đẳng và trung cấp; đào tạo dược sĩ trung cấp, dược tá, nhân viên xoa bóp, đào tạo lại, đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng y học cho cán bộ y tế theo các chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và liên kết với các trường đại học y dược để đào tạo đại học và sau đại học cho cán bộ y tế địa phương.

Ông Lê Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang lo lắng: “Khi chịu sự quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Sở LĐ-TB&XH, nhà trường chưa nắm rõ hết các văn bản quy định, hướng dẫn; chưa có hướng dẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chuẩn đầu ra. Về mặt chuyên môn, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn về quy định giờ dạy của giáo viên tăng từ 270 tiết lên 380 tiết/năm chưa biết sắp xếp thế nào…”.

Đối với Trường Trung cấp Bách khoa Gò Công, Sở GD-ĐT vừa bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, tài chính, tài sản của trường cho Sở LĐ-TB&XH quản lý. Ông Phan Văn Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đang đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông. Trong công tác tuyển sinh, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn: Đối với học sinh THCS, do hầu hết các em chưa tự quyết định trong việc chọn nghề cho mình mà do cha mẹ quyết định, vì thế phải tư vấn cho cả phụ huynh. Nhiều phụ huynh đặt nhiều câu hỏi: Học trung cấp có được học liên thông lên cao đẳng, đại học? Học xong có dễ tìm việc làm?... Vì lẽ đó, Sở LĐ-TB&XH phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong công tác tuyển sinh theo Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Đến thời điểm này, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa cụ thể, rõ ràng, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh học sinh. Hiện tại, các trường chỉ mới tiếp cận, tư vấn, nên thí sinh đăng ký học nghề thấp. Nhìn chung, các học sinh, phụ huynh có quan tâm đến lĩnh vực nghề, nhưng phần đông chưa mặn mà lắm, vẫn còn tư tưởng chuộng bằng cấp.

Ông Lê Văn Cơ, Phó phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản nhưng chưa đầy đủ. Trong quá trình chuyển giao, các trường còn gặp khó khăn do chưa tiếp cận được các văn bản hướng dẫn. Sở cũng đã khẩn trương hướng dẫn các văn bản, đang lên kế hoạch tuyển sinh. Đối tượng tuyển sinh của các trường trung cấp nghề chiếm hơn 90% học sinh tốt nghiệp THCS...”.

ĐÀO TẠO GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2017 do Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức, các trường đã chia sẻ kinh nghiệm, nêu giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác tuyển sinh. Các trường đang cập nhật những thông tin mới, trong đó có thông tin về những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng học sinh. Nhận định về nguồn nhân lực xã hội đang cần, cô Nguyễn Thị Dân Quyền, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh cho biết, trường bắt đầu đi tư vấn tuyển sinh vào tháng 4 khi các em vừa thi học kỳ 2 xong. Ngay trong tháng 3, bộ phận tư vấn tuyển sinh nhà trường đã có kế hoạch khảo sát thị trường lao động, sau đó đến từng lớp tư vấn. Tư vấn tuyển sinh gắn với tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, để các em yên tâm khi ra trường sẽ có việc làm. Nhà trường đang liên kết với 35 doanh nghiệp, học sinh khi học sẽ không lo không có chỗ thực tập và khi tốt nghiệp khi ra trường sẽ đảm bảo có việc làm...

Ông Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang cho biết, vào đầu tháng 4 trường sẽ tổ chức tư vấn đến các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc quảng bá thông tin về ngành nghề mà trường đang đào tạo, Ban Tư vấn tuyển sinh nhà trường còn liên hệ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực mà trường có thể đáp ứng và có thể mở thêm ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH lưu ý: “Các trường cần có kế hoạch tuyển sinh phù hợp, chú trọng đối tượng đầu vào. Sở đang lập Đề án Đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình UBND tỉnh và đang thực hiện nội dung Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thực hiện mục tiêu cơ bản về đào tạo nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu ngành nghề phù hợp và bảo đảm chất lượng đào tạo mà Chiến lược đã đề ra.

Sở LĐ-TB&XH giao chủ quyền tự chủ cho các cơ sở trong công tác tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động...

P. MAI

.
.
.