Thứ Tư, 19/07/2017, 14:00 (GMT+7)
.

Thầy giáo Tân Văn Công - cây đại thụ đất Mỹ Tho

Dòng sông Tiền nước lớn ròng đều đặn hằng ngày, với những tàu dừa lao xao theo cơn gió, với những tán bần lập lòe đom đóm về đêm. Những kí ức đó đã theo thầy giáo làng Tân Văn Công trong 91 năm qua. Thầy đã hòa mình chung thủy cùng mạch sống của đô thị Mỹ Tho hơn nửa thế kỷ qua.

Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng nhà giáo Tân Văn Công nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2014.
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng nhà giáo Tân Văn Công nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2014.

NGƯỜI THẦY TÔN KÍNH

Thầy Tân Văn Công sinh năm 1926 tại xã Tân Thạch, vùng Rạch Miễu (nay thuộc tỉnh Bến Tre) và theo học tại Mỹ Tho. Ngôi trường đầu tiên thầy dạy là trường sơ cấp Vang Quới thuộc quận Bình Đại, sau này thuộc tỉnh Bến Tre. Lúc đó, Vang Quới là một làng thuộc tỉnh Mỹ Tho. Thời đó, thầy dạy 2 lớp: Lớp đồng ấu và lớp hỗn hợp.

Trường học thời ấy là gian nhà lá tuy đơn sơ nhưng vén khéo, có vườn cây ao cá. Những học trò của thầy là những học sinh ở nhà quê, tay ôm cặp đệm, tay cầm lọ mực tòn teng. Và những thầy cô giáo thời đó là những nhà giáo làng cọc cạch chiếc xe đạp hay đi bộ hàng chục cây số. Trong chiếc giỏ đựng sách vở còn kèm theo giỏ cơm trưa.

Trong một dịp tình cờ đến thăm thầy, khi bước chân vào ngôi nhà đậm nét cổ kính với đầy ắp những sách vở ở phường 1, TP. Mỹ Tho, chúng tôi quá đỗi bất ngờ với cuộc hội ngộ đặc biệt. Đó là dịp những thế hệ học trò từ các trường làng đến trường tỉnh mà thầy đã dạy hội tụ về mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thầy giáo làng ngày xưa nay đã bước vào tuổi cổ lai hy. Những học trò bé bỏng ngày nào nay tóc đã nhuộm màu sương. Một điều đáng trân quý là khi gặp lại thầy, ai cũng khoanh tay lễ phép dạ thưa như cái thuở thiếu thời.

Người xưa từng nói: “Không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo”. Thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua con chữ mà phải đưa học sinh đến gần với chân - thiện - mỹ bằng chính nhân cách sống của mình. “Một người thầy tồi chỉ biết truyền chân lý cho học trò, còn người thầy giỏi sẽ biết truyền cho học trò cách tìm ra chân lý”. Đây là phương châm dạy học mà suốt cuộc đời thầy giáo làng Tân Văn Công đeo đuổi. Từ phương châm đó, bao thế hệ học trò của thầy đã thành nhân, thành tài. Có người theo nghề giáo, có người giữ các chức vụ quan trọng ở địa phương, có người là những doanh nhân thành đạt…

Trong tự truyện về cuộc đời mình, thầy Tân Văn Công luôn đề cao niềm tôn kính của mình với những người thầy dạy dỗ ông. “Khi nhỏ đi học tôi là một học trò luôn lỳ ra như một khối vô tri. Những lời dạy dỗ, những cái nắm tay trong im lặng và có cả những cái tát tay… Tất cả tôi vẫn nhớ như in. Sau này tôi trở thành người có ích, có kiến thức cũng đều nhờ những người thầy. Và tôi đã dạy dỗ học trò của mình cũng như thế. Bao thế hệ học trò của tôi sau này theo nghề giáo cũng truyền thụ kiến thức cho thế hệ học sinh của mình như thế”- thầy Công chia sẻ.

Nghề giáo vốn bình dị nhưng mực thước. Thầy giáo Tân Văn Công đã làm người lái đò tận tụy, uyên bác để dạy dỗ bao thế hệ học trò của mình nhân cách sống ở đời.

NHÀ VĂN HÓA UYÊN THÂM

Nhắc đến thầy giáo làng Tân Văn Công, người Mỹ Tho còn biết đến một nhà văn hóa gắn với mảnh đất Mỹ Tho, nơi mà ông đã sống và cống hiến.

Đi học, đi dạy và sinh sống ở Mỹ Tho nhiều thập kỷ, thầy Tân Văn Công là một trong những nhân chứng về sự đổi thay của TP. Mỹ Tho. Cùng với nghề giáo, ông còn bén duyên với nghiệp viết lách, văn chương, thơ phú, âm nhạc. Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, ông vẫn miệt mài với máy vi tính và những con chữ. Phần lớn những tác phẩm văn, thơ, nhạc, ảnh của ông đều bắt nguồn từ cảm hứng 2 từ Rạch Miễu và Mỹ Tho xưa.

Nhiều tác phẩm của ông rất có giá trị khảo cứu về Mỹ Tho như Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử, Lịch sử chùa Vĩnh Tràng hay quyển Mỹ Tho xưa trong Nam kỳ lục tỉnh do ông cùng với tiến sĩ Võ Thành Dũng biên soạn. Đó là chưa kể đến kho truyện, thơ khá đồ sộ, trong đó có thể kể đến những tác phẩm như Đời sống nơi hoang mạc và Những người bạn của chúng ta (sách viết cho học sinh), truyện ngắn Tuổi thơ… Xa rồi, Những mảnh tình, Chuyện những dòng sông, Ngơ ngác tuổi đời, tự truyện Một thầy giáo làng, ký sự Tình tôi… Tình em… Các tập thơ: Mỹ Tho, Mười chuyện tình buồn (viết về những chuyện tình có thật ở Mỹ Tho); Lệ thơ (gồm 150 bài thơ khóc vợ); Tình muộn; Hạt sỏi cũng buồn (tuyển tập thơ). Ngoài ra, ông còn sáng tác hàng chục bài nhạc và vọng cổ lay động lòng người.

THỦY HÀ

.
.
.