Thứ Hai, 28/08/2017, 21:43 (GMT+7)
.

Dạy nghề cho lao động nông thôn, hiệu quả và những khó khăn

Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng với kết quả bước đầu thực hiện lồng ghép Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (từ năm 2016) đến nay cho thấy, công tác đào tạo nghề đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng LĐNT, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần xây dựng thành công nhiều xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...

Sinh viên ngành Cơ khí (Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang) trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành Cơ khí (Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang) trong giờ thực hành.

HƠN 85% LAO ĐỘNG HỌC NGHỀ CÓ VIỆC LÀM

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại Tiền Giang được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực, không những góp phần tạo việc làm, hình thành các mô hình sản xuất, mang lại lợi ích cho nông hộ và cộng đồng, mà còn thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới  ở các xã. Đặc biệt, năm 2016, việc đào tạo nghề cho LĐNT được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều LĐNT.

Ông Lê Phước Tân, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương giao, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan và các huyện thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, năm 2016, tỉnh được phân bổ hơn 4,787 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 5.150 lao động. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên tổ chức mở lớp dạy nghề. Còn các huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và tổ chức dạy nghề theo định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Các cơ sở dạy nghề cấp tỉnh và Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT các huyện đã hợp đồng, tổ chức 162 lớp dạy nghề cho 4.608 LĐNT, đạt 89,47% kế hoạch năm (5.150 lao động), trong đó có 80 lớp nghề phi nông nghiệp với 1.967 lao động và 82 lớp nghề nông nghiệp với 2.641 lao động tham gia học nghề. Các nghề đã hỗ trợ đào tạo gồm: May công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, sửa chữa và cài đặt máy tính, điện dân dụng, hàn điện hồ quang tay, sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa máy nổ, đan lát, đan lưới, xe nhang, chăn nuôi bò, heo, gia cầm, nuôi tôm sú, trồng rau an toàn, trồng nấm, trồng lúa, trồng cây ăn quả…

Qua kết quả giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án Đào tạo nghề cho LĐNT năm 2016 tại 4 huyện của Đoàn giám sát tỉnh và kết quả báo cáo hỗ trợ dạy nghề của các huyện, các cơ sở dạy nghề cấp tỉnh có tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm trên 85%; thu nhập của người lao động thuộc nhóm nghề lĩnh vực phi nông nghiệp (đa số lao động tham gia làm công ăn lương) có thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; nhóm nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đa số người lao động tự tạo việc làm) tạo thu nhập tăng thêm khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang là một trong những đơn vị đào tạo nhiều LĐNT và đã giúp cho nhiều gia đình cải thiện thu nhập đáng kể trong thời gian qua. Thầy Huỳnh Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang cho biết: “Hầu hết các sinh viên học nghề tại trường vừa ra trường đều có doanh nghiệp nhận vào làm việc. Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang dạy thực hành đến 70% số tiết, lý thuyết chỉ 30% số tiết, nên các em bắt tay vào làm việc được ngay khi ra trường. Do đó, các doanh nghiệp rất hài lòng với tay nghề của các em. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng trước khi các em ra trường. Cho nên những năm qua, hầu hết số lượng sinh viên ra trường mỗi năm không đủ cung ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là điều chúng tôi rất phấn khởi, bởi trên địa bàn tỉnh còn không ít hộ rất khó khăn, ra trường có việc làm ngay sẽ giúp các em ổn định
cuộc sống”.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH, việc thực hiện lồng ghép đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới còn gặp không ít khó khăn như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục và sâu rộng về mục tiêu, chính sách đến người lao động. Từ đó, nhiều lao động đăng ký học nghề khi có thông tin của cán bộ đoàn thể mà không chủ động lựa chọn nghề cần học để tạo việc làm theo điều kiện bản thân.

Số lao động học nghề phi nông nghiệp còn ít, chỉ chiếm 36% nên chưa tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn và xây dựng xã nông thôn mới. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp chưa cụ thể nên một số lớp dạy nghề chưa sát với yêu cầu thực tế, thu nhập của người lao động sau học nghề không ổn định, thậm chí một số lao động không hành nghề đã học. Cấp xã và cơ sở đào tạo chưa giám sát việc học tập của học viên, nhiều học viên nghỉ học nhiều nên kiến thức, kỹ năng yếu không thể áp dụng vào sản xuất. Nhiều người lao động sau khi học nghề chưa chủ động tìm việc làm mà trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ điều kiện để làm việc như: Vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Ông Lê Phước Tân cho biết, để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền theo chủ đề cụ thể, đưa vào sinh hoạt trong các cuộc họp định kỳ của các chi, tổ hội. Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đơn vị chức năng tổ chức tư vấn trực tiếp cho người lao động để đăng ký học nghề theo điều kiện của người lao động; tiếp tục xây dựng các mô hình hỗ trợ đào tạo đạt hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức giảng dạy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kết quả việc làm và thu nhập sau học nghề của người lao động để mở rộng những nghề đạt hiệu quả cao...

HOÀI THU

.
.
.