Thứ Hai, 28/08/2017, 11:14 (GMT+7)
.

Làm gì khi trẻ "nghiện" điện thoại?

Trong cuộc sống hiện nay, sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone) đã làm cho cuộc sống của con người trở nên gần gũi, kết nối với nhau dễ dàng hơn. Thế nhưng, điều khá dễ dàng nhìn thấy hiện nay là các bậc cha mẹ đang để con em mình sử dụng chúng khá dễ dãi, khiến các em dễ rơi vào trạng thái “nghiện”, từ đó mang lại nhiều hậu quả về tinh thần và thể chất.

Cha mẹ hãy quan tâm, chăm lo con cái của mình nhiều hơn để hạn chế tình trạng trẻ “nghiện” điện thoại.
Cha mẹ hãy quan tâm, chăm lo con cái của mình nhiều hơn để hạn chế tình trạng trẻ “nghiện” điện thoại.

KHI TRẺ “NGHIỆN” ĐIỆN THOẠI

Chị Nguyễn Thị Sương, ngụ xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho cho biết, con gái đầu của chị năm nay học lớp 4. Suốt mấy tháng hè, ngoại trừ học thêm, học năng khiếu, thời gian còn lại của cháu là xem tivi và điện thoại di động, khiến chị vô cùng lo lắng. Còn đứa con trai năm nay mới vào lớp lá nhưng cũng đã biết sử dụng điện thoại sành sỏi không kém gì đứa chị. Chị cho biết, trước đây, 2 đứa thường sử dụng điện thoại cả ngày, nhưng thời gian gần đây, chị đã hạn chế được phần nào. Chúng chủ yếu xem chương trình đố vui, phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi… “Các con tôi còn sử dụng điện thoại rành hơn ba mẹ nữa. Ngoài giờ học là các cháu lại vùi đầu vào điện thoại miết. Nhiều lúc thấy các cháu sử dụng điện thoại, tôi lại tắt ngay; thậm chí dùng đòn roi để dọa nhưng chuyện đâu rồi cũng vào đó” -
chị Sương tâm sự. 

Cũng chia sẻ về chuyện “nghiện” điện thoại của con trai, chị Nguyễn Ngọc Trúc Chi, ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho đã không khỏi lo lắng: “Mấy tháng qua, ngoại trừ đi học hè, đứa con trai của tôi cứ bám miết vào chiếc điện thoại. Chúng tôi bận công việc suốt ngày nên cũng rất khó trông coi con cái, mọi việc sinh hoạt của con đều nhờ vào bà nội. Có nhiều lúc chúng tôi thấy con cầm điện thoại, có khách đến nhà cũng không thèm để ý tới. Chỉ đến khi chúng tôi nhắc nhở, cháu mới chào khách một tiếng rồi cầm điện thoại lẻn lên phòng”. Chị Trúc cũng cho biết, từ ngày thấy con có dấu hiệu “nghiện” điện thoại, chị cũng đã quan tâm, để ý con mình nhiều hơn. Chị thấy con rất ít giao tiếp với mọi người xung quanh; ngoài giờ học, con chỉ ở suốt trong phòng ngủ. Con có nhiều hành động, cử chỉ bắt chước giống như một số nhân vật trong phim hành động, bạo lực.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh cho rằng, khi muốn tập trung làm công việc mà không muốn bị con quấy phá, các bậc cha mẹ thường “quăng” điện thoại cho con vô tư sử dụng mà không hề biết được hậu quả khôn lường phía sau. Do bận bịu công việc, nhiều phụ huynh không có thời gian kiểm soát những nội dung mà con trẻ xem trên điện thoại. Đến khi sự việc vỡ lở, nhiều phụ huynh mới tá hỏa khi các bé xem những phim hoạt hình có nội dung kích động, bạo lực.

CẦN QUAN TÂM CON CÁI NHIỀU HƠN

Không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại thông minh mang lại như có thể giúp trẻ tiếp cận với các phương pháp học tập và vui chơi tiên tiến. Tuy nhiên, nếu sử dụng thiếu kiểm soát các thiết bị thông minh này sẽ mang lại cho trẻ nhiều hậu quả khôn lường về tinh thần và thể chất. Khi sử dụng những thiết bị di động một cách thường xuyên, trẻ có thể sao nhãng chuyện học tập, lười vận động, ít giao tiếp với mọi người xung quanh dẫn đến nhiều bệnh về mắt, béo phì, tim mạch, tiểu đường…

Theo các chuyên gia tâm lý, để “cai nghiện” chuyện sử dụng điện thoại của các bé, cha mẹ trước hết phải làm gương cho các con noi theo. Các bậc phụ huynh chỉ sử dụng điện thoại khi thật sự cần thiết đến công việc và không nên sử dụng trước mặt con trẻ. Cha mẹ hãy dành sự quan tâm, quản lý giờ giấc của con em mình nhiều hơn. Nếu cho con sử dụng điện thoại thì nên có quy ước thời gian sử dụng cố định. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần đặt ra thời gian biểu sinh hoạt cho các trẻ mỗi ngày, hướng dẫn các trẻ làm công việc nhà tùy thuộc vào độ tuổi của các em. 

Theo Thạc sĩ Cao Thị Mộng Thanh Trinh, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tiền Giang: “Nếu các bậc cha mẹ không thể quản lý giờ giấc của con sử dụng điện thoại vào ban đêm thì có thể tắt thiết bị wifi, như thế sẽ hạn chế tình trạng các bé sử dụng điện thoại thâu đêm”. Cũng theo Thạc sĩ Trinh, phụ huynh cũng cần có kế hoạch hướng dẫn con tham gia các hoạt động ngoại khóa cuối tuần với bạn bè, để trẻ có thể vui chơi thỏa thích. Việc cho trẻ vui chơi sẽ tăng cường khả năng giao tiếp, khiến các bé quên đi các thiết bị điện thoại. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, chăm lo cho con cái của mình.

ĐỖ PHI

.
.
.