Tựu trường và canh cánh những nỗi lo
Năm học mới 2017 - 2018 sắp bắt đầu. Không ít phụ huynh lo canh cánh với nhiều khoản chi, từ chuyện mua tập, sách giáo khoa, đồng phục, đến gánh nặng học phí, hỗ trợ tiền xây dựng cơ sở vật chất trường - lớp, mua bảo hiểm y tế... cho con.
Hiện tại, phụ huynh tập trung mua sắm đồ dùng học tập, để con chuẩn bị bước vào năm học mới. |
Những ngày qua, đa số phụ huynh đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho năm học mới cho con mình. Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho, cho biết: “Con gái tôi chuẩn bị vào lớp 6 và con trai vào lớp 2. Biết các chi phí đầu năm học rất nặng, nên từ 2 tháng qua, vợ chồng tôi chi tiêu hết sức dè sẻn, để dành tiền mua tập, sách giáo khoa, đồng phục học sinh cho con. Với đồng lương công nhân ít ỏi, vợ chồng tôi đang lo lắng: Liệu có đóng nổi học phí và các khoản đóng góp khác cho con theo yêu cầu của nhà trường!?...”.
Chị Trần Thị Thanh Thúy, ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho, có 2 con trai sinh đôi, chuẩn bị bước vào lớp 2. “Các khoản chi đầu năm học mới luôn là nỗi lo canh cánh của vợ chồng tôi, vì chồng tôi hành nghề “xe ôm”, tôi bán bánh mì, thu nhập chẳng là bao. Thế nên, đang lo các khoản học phí, hỗ trợ tiền xây dựng cơ sở vật chất trường - lớp, tiền mua bảo hiểm y tế... cho con sẽ vượt “tầm tay” của gia đình...” - chị Thúy tâm sự.
Ngồi nhẩm tính các chi phí cho đứa con gái chuẩn bị vào lớp 12, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan, ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho thở dài: “Chỉ sắm cho con 1 bộ áo dài mới, mua bộ sách giáo khoa và tập vở, vì từ đầu hè đã tốn không ít tiền cho con đi học thêm để hy vọng con sẽ bước vào giảng đường đại học sau khi học xong lớp 12. Trước mắt, phải mua sách giáo khoa nâng cao, hỗ trợ tiền xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua bảo hiểm y tế... cho con. Gánh nặng này sẽ rất lớn đối với gia đình tôi, sợ lo không xuể!...”.
Để tiết kiệm chi phí cho đầu năm học, không ít gia đình đã tính đến việc sử dụng lại các đồ dùng học tập, đồng phục... của năm học trước để tiết giảm chi phí cho gia đình, hầu mong đóng đủ các khoản khác cho con theo yêu cầu bắt buộc của nhà trường và theo yêu cầu chính đáng của con. Phụ huynh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì nỗi lo càng lớn hơn. Chị Phan Thị Kim Hoa, ngụ xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn do ít đất sản xuất. Vả lại, vừa qua, bị lỗ nặng do heo rớt giá thê thảm. Trong khi đó, hiện đứa con lớn đang học ở TP. Hồ Chí Minh, đứa con út chuẩn bị vào lớp 12. Mỗi khi nghe con học ở xa báo đóng học phí và xin tiền để trang trải việc sinh hoạt là vợ chồng tôi lại lo đau đáu, lo tiền để chu cấp hằng tháng đã “hụt hơi”, dù con rất cảm thông với hoàn cảnh của ba mẹ, không dám chi xài hoang phí. Đứa con út cũng vậy, chỉ mua lại sách giáo khoa đã qua sử dụng cho rẻ và không đòi hỏi sắm đồng phục mới, sử dụng lại đồng phục của năm trước... để tiết giảm chi phí cho ba mẹ...”.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, bên cạnh những lo lắng về các chi phí mua sắm cho đầu năm học mới, điều khiến họ trăn trở nhất là các khoản thu được cho là “tự nguyện”. Bà Trần Kim Chi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho, có cháu ngoại chuẩn bị vào lớp 3, cho biết: “Mỗi năm, nhà trường quy định nhiều khoản thu, nhưng mức thu không đáng kể, chúng tôi có thể xoay xở được. Điều khiến phụ huynh chúng tôi lo lắng nhất là các khoản thu mang tính “tự nguyện”. Mong rằng, các trường học cần công khai khoản thu đó, xin ý kiến phụ huynh học sinh, nếu đa số không tán thành thì không áp dụng...”.
Có thể nói, cứ mỗi dịp năm học mới đến, bên cạnh niềm vui của con trẻ mong được tung tăng cắp sách đến trường, là những trăn trở, lo toan của không ít bậc làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn con mình được tươm tất, đóng đầy đủ các khoản thu... để chào đón năm học mới; thế nhưng, cũng có những hoàn cảnh “lực bất tòng tâm”, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng xã hội.
ĐỖ PHI