Thứ Năm, 07/09/2017, 14:34 (GMT+7)
.

Bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam gây 'sốc' dư luận?

e
Thí sinh dự thi vào Đại học ngoại thương

Tại sao những trường đại học thương hiệu hàng đầu, điểm đầu vào cao "chót vót" như Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội lại chỉ được ở vị trí trung bình trong bảng xếp hạng? Dữ liệu đánh giá liệu có đáng tin cậy?...
"Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa" - câu ví von cửa miệng lâu nay về thứ hạng các trường đại học ở Việt Nam dường như khác xa so với bảng công bố mới đây.

Hàng loạt câu hỏi được khách mời đặt ra đã làm nóng không khí buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng các trường đại học.

Bảng xếp hạng gây sốc?

Bảng xếp hạng được thực hiện bởi một nhóm 6 chuyên gia độc lập, hoàn toàn phi lợi nhuận và khách quan khi các thành viên của nhóm không có ai liên quan, lợi ích đến bất cứ trường nào trong danh sách xếp hạng. Kinh phí do họ tự chi trả.  Bảng xếp hạng đã ngay lập tức gây sốc cho nhiều người khi công bố.

Nhiều câu hỏi đặt ra như tại sao trong số top 5 trường đại học hàng đầu, có 4 trường có quy mô lớn, gồm hai đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), một đại học vùng là Đại học Đà Nẵng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đại học Tôn Đức Thắng là một trường khá trẻ (thành lập năm 1997, khi đó là trường dân lập, từ năm 2008 trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đứng ở vị trí thứ 2 trong số 49 trường của bảng xếp hạng.

Trong khi đó, các trường đại học vốn được dư luận đánh giá tốt với điểm đầu vào hàng năm cao ngất ngưởng lại chỉ ở mức trung bình. Đại học Kinh tế Quốc dân ở vị trí thứ 30, Đại học Ngoại thương ở vị trí thứ 23, Đại học Y Hà Nội vị trí 20, Đại học Bách khoa Hà Nội ở vị trí thứ 7.

aaaaaaaaaaaaa
Trong năm học mới 2017 - 2018, hàng ngàn sinh viên Kinh tế quốc dân sẽ được học trong một tòa nhà mới hiện đại bậc nhất Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường được đánh giá có cơ sở vật chất rất tốt với khuôn viên rộng nhất trong số các trường đại học nội thành Hà Nội, thư viện hoành tráng. Tuy nhiên, trường này thậm chí không lọt trong nhóm 20 trường có cơ sở vật chất tốt trong số 49 trường được xếp hạng và xếp sau nhiều trường có diện tích chật chội hơn.

Theo tiến sỹ Lưu Quang Hưng, chủ biên Báo cáo Xếp hạng, bản thân ông cũng khá bất ngờ trước điều đó nên ngay khi tổng hợp dữ liệu và nhận được kết quả này, ông đã rà soát lại thông số về các trường trên. Tuy nhiên, kết quả là đúng với kết quả dữ liệu thu thập được.

Phân tích về việc Đại học Ngoại thương có vị trí không cao, ông Hưng cho biết một trong các tiêu chí đánh giá là số công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế. “Đại học Ngoại thương đào tạo rất tốt, sinh viên rất năng động, nhưng số giảng viên có trình độ tiến sỹ ít, chỉ số các bài báo khoa học công bố quốc tế của giảng viên thấp, dẫn đến vị trí không cao,” ông Hưng nói.

Trong khi đó, Đại học Tôn Đức Thắng có chỉ số nghiên cứu khoa học tốt nên họ có vị trí xếp hạng cao.

Về việc các trường đại học quốc gia, đại học vùng chiếm đa số trong các vị trí đầu bảng, ông Hưng cho biết do đây là những trường có quy mô lớn. “Trong đánh giá có tiêu chí về ảnh hưởng xã hội nên những trường đại học có quy mô lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh hay các đại học vùng sẽ có ưu thế,” tiến sỹ Lưu Quang Hưng chia sẻ.

Trường hợp Đại học Bách khoa bị xếp thứ hạng thấp về cơ sở vật chất, ông Hưng thừa nhận đây là vấn đề cần xem xét lại. “Chúng tôi lấy dữ liệu diện tích từ công bố của các trường trên website,” ông Hưng cho biết.

aaaaaaaaaaaaa
Nghiên cứu khoa học là một trong các tiêu chí đánh giá xếp hạng. (Ảnh: TTXVN)


Dữ liệu có đáng tin cậy?

Những thắc mắc trên đặt ra một vấn đề lớn hơn là dữ liệu của nhóm nghiên cứu có thực sự đáng tin cậy?

Theo tiến sỹ Lưu Quang Hưng, việc xếp hạng dựa trên ba thước đo là nghiên cứu khoa học; giáo dục đào tạo; cơ sở vật chất và quản trị. Trong đó, hai tiêu chí giáo dục đào tạo và cơ sở vật chất-quản trị được dựa trên thông tin chủ yếu từ website và báo cáo của các trường.

Tiêu chí về nghiên cứu khoa học được nhóm thu thập trên dựa trên các bài báo của giảng viên các trường đã được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, dù đánh giá rất cao việc nhóm nghiên cứu đã tâm huyết bỏ công sức, tài chính để làm bảng xếp hạng nhưng tiến sỹ Phạm Thị Ly cho rằng cần phải xem xét rất kỹ về chất lượng dữ liệu.


Về các bài báo công bố quốc tế, theo bà Ly, trong cơn sốt xếp hạng các trường đua nhau tăng con số công bố, kết quả là "đạo văn, mua bài."

Về các báo cáo ba công khai của các trường, tiến sỹ Phạm Thị Ly cho biết một kiểm định viên đã khẳng định với bà rằng các báo cáo đó “chắc chắn không đúng”.

"Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy. Nếu kết quả không đáng tin cậy thì hệ quả là gì? Ta góp thêm vào bức tranh vốn đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm không tốt các nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu, " bà Ly nói.

a
Dù có cơ sở vật chất tốt nhưng Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn xếp thứ hạng thấp ở tiêu chí này. (Ảnh: hust.edu.vn)

Độ tin cậy của dữ liệu cũng là vấn đề được tiến sỹ Tạ Hải Tùng (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đặt ra tại buổi tọa đàm.

Theo ông Tùng, từ bảng xếp hạng đã cho thấy có nhiều điểm về dữ liệu có vấn đề. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ sở vật chất tốt nhưng thứ hạng vẫn thấp.

Ông Tùng cũng đặt câu hỏi về việc nhóm nghiên cứu đã tính đến đặc thù của các trường để có đánh giá công bằng hơn. Như việc tính toán hiệu suất nghiên cứu của giảng viên, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2.300 cán bộ nhưng có 700 cán bộ phục vụ thí nghiệm. Nếu chia số bài báo nghiên cứu cho cả 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể có nghiên cứu công bố quốc tế được.

Hoặc việc tính chất lượng đào tạo thông qua chỉ số giảng viên trên đầu sinh viên thì có tính đến số sinh viên tại chức?

Trước những câu hỏi này, nhóm nghiên cứu cho biết, vấn đề dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu đúng là bài toán lớn nhất với họ khi thực hiện dự án xếp hạng này.

“Để tìm được dữ liệu đã mất thời gian nhưng chúng tôi gặp khó khăn khi có số liệu nhưng ba không: không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật,” tiến sỹ Lưu Quang Hưng chia sẻ.

Cũng theo ông Hưng, nhóm phải tự thu thập dữ liệu của các trường, sau đó gửi lại cho các trường xem để đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, trong số 100 trường dự kiến thu thập dữ liệu ban đầu, nhóm chỉ có đủ dữ liệu để xếp hạng 49 trường.

Thậm chí, nhiều dữ liệu rất quan trọng nhưng không thể đưa vào chỉ tiêu đánh giá như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. “Trong số 100 trường chỉ có 15 trường có số liệu này, nhưng cũng không đáng tin cậy, và vì thế chúng tôi buộc phải đưa ra ngoài tiêu chí này,” tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, thành viên của nhóm xếp hạng, cho biết.

Đồng tình với ý kiến của tiến sỹ Phạm Thị Ly về việc các nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế dù thuộc danh mục ISI nhưng cũng chưa hẳn đáng tin cậy, nhưng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, trong điều kiện hiện tại thì đây là lựa chọn tốt nhất.

"ISI không phải khuôn vàng thước ngọc và cũng thượng vàng hạ cám, nhưng trong điều kiện hiện tại thì chưa có gì hơn," tiến sỹ Ngọc Anh chia sẻ.

Ghi nhận những đóng góp, phản hồi tích cực từ các khách mời, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh cho biết, nhóm hiểu rất rõ những vấn đề được phản biện, như việc chất lượng nguồn dữ liệu và cũng muốn có nguồn dữ liệu chính xác. "Mong muốn thì rất nhiều nhưng mình phải cố gắng sống với cái mình có," tiến sỹ Ngọc Anh nói.

Theo đó, nhóm nghiên cứu cho biết báo cáo này chỉ là một cách xếp hạng phản ánh góc nhìn riêng của nhóm và không đặt nặng vấn đề thứ hạng cao thấp. Bảng xếp hạng chỉ là một cách đánh giá để các trường đại học có thể tự nhìn lại mình và có thể bổ sung các phần trường cho là khuyết thiếu.

Theo vietnamplus.vn
 

.
.
.