Thứ Năm, 21/09/2017, 10:46 (GMT+7)
.

Nhà giáo, xin đừng tự hạ thấp vị thế!

Trong lịch sử giáo dục nước ta, chưa có lúc nào mà dư luận xã hội lại bàn nhiều về những mặt hạn chế, tiêu cực của nhà giáo như hiện nay. Nào là bệnh chạy theo thành tích trong dạy học, sự xuống cấp về đạo đức, bạo hành học sinh cho đến việc tiêu cực trong dạy thêm, học thêm… Vị thế nhà giáo đã có phần bị hạ thấp so với trước đây. Xung quanh vấn đề này, chúng ta phải nhìn nhận như thế nào để mang tính khách quan và lý giải như thế nào về những biểu hiện tiêu cực của nhà giáo (nếu có)? Với thực tế dạy học nhiều năm, từng làm công tác quản lý nhà trường, chúng tôi xin bày tỏ vài ý kiến:

Ảnh minh họa: Như Lam
Ảnh minh họa: Như Lam

- Tất cả những hạn chế, tiêu cực của nhà giáo mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua là có thực, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Với phương tiện thông tin và truyền thông phong phú, đa dạng như hiện nay, những biểu hiện tiêu cực thường được phản ánh nhanh nhạy và lan truyền với mức độ “chóng mặt” nên chỉ vài hiện tượng xảy ra là người đọc, người nghe có cảm giác như xảy ra thường xuyên.

- Dù những biểu hiện tiêu cực của nhà giáo như nói ở trên không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng vẫn là hiện tượng đáng lên án và so với những thời kỳ trước thì mức độ rõ ràng là đáng báo động. Chúng ta không thể chấp nhận một nhà giáo biết rõ học sinh không biết đọc, biết viết vẫn “lùa” lên lớp (dù viện lý do gì đi chăng nữa); không bao giờ dung thứ cho thầy giáo quan hệ lăng nhăng với nữ sinh; “dị ứng” với nhà giáo có ngôn phong, tác phong không chuẩn mực; đau xót trước những người tự nhận là “kỹ sư tâm hồn” mà lại dùng thủ đoạn bắt ép học sinh thân yêu của mình đi học thêm để lấy tiền… Còn biết bao những tiêu cực nữa mà chúng tôi, những người đang làm nghề dạy học từng chứng kiến không “nỡ” kể ra…

- Đâu là nguyên nhân của những tiêu cực ấy?

Lâu nay, người ta thường đưa ra nhiều nguyên nhân, khách quan cũng như chủ quan, nhưng theo chúng tôi nghĩ có 2 nguyên nhân chủ yếu. Một là do các nhà giáo chưa ý thức được (hoặc cố ý quên) sứ mệnh thiêng liêng của nghề mình là giáo dục con người, góp cho xã hội những công dân có trí tuệ và tâm hồn, có kỹ năng sống, làm việc… Nếu nhà giáo nào cũng ý thức được sứ mệnh quan trọng của mình trong sự nghiệp “trồng người” cho xã hội thì chắc chắn họ sẽ luôn trau dồi phẩm chất, đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy và giáo dục.

Ai làm nghề dạy học mà chẳng biết “thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Những ai có hành vi tiêu cực trong dạy học, có lẽ họ nghĩ học sinh không biết được việc tiêu cực họ đang làm hoặc họ chấp nhận làm “chiếc gương mờ…”. Hai là quá trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm hiện nay có vấn đề cần xem xét lại. Ở đây, chúng tôi muốn nói sự rèn luyện về đạo đức, tác phong, tư tưởng…của những thầy, cô giáo tương lai ở các trường sư phạm.

Trong nhà trường Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn thực hiện quan điểm “Tiên học lễ, hậu học văn” nhằm khẳng định việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh là rất quan trọng. Nhà giáo, người dạy “lễ” cho học sinh trước hết phải là người biết “lễ”, phải “sửa mình” để “phục lễ”. Không ít sinh viên sư phạm mới ra trường chưa có ý thức rèn luyện để trở thành nhà mô phạm, nên khi về trường phổ thông công tác đôi khi có những hành vi thiếu chuẩn mực. Từ nhậu nhẹt chung với học sinh, quan hệ tình cảm nam nữ với nữ sinh cho đến thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, chẳng biết kính trên nhường dưới…

Để kết thúc vấn đề này, chúng tôi xin dẫn một câu chuyện: Một đồng nghiệp của chúng tôi dạy môn toán lớp 10. Ngày đầu nhận lớp, giáo viên này hướng dẫn học sinh phương pháp học tập và dặn dò một số điều quan trọng chuẩn bị bước vào chương trình. Trong những điều tâm sự thầy - trò ở tiết học đầu tiên, học sinh hỏi: “Thầy có mở lớp dạy thêm không? Chúng em muốn học thêm vì sợ chương trình toán lớp 10 khó và lạ quá, theo không kịp”. Đồng nghiệp này trả lời, đại ý là không có mở lớp dạy thêm (và thực tế là giáo viên này không dạy thêm), rồi trấn an học sinh cứ chuyên cần là sẽ học được, học tốt. Đồng nghiệp ấy kể rằng, khi trả lời học sinh như vậy, trong lớp có tiếng xì xào: “Chắc là không có dạy thêm không đó!”.

Khi kể xong câu chuyện, giọng của thầy ấy thật buồn: “Em buồn quá! Từ bao giờ học sinh nhìn nhận, đánh giá giáo viên mình như vậy, hả thầy? Phải chăng mình tự làm thấp đi vị thế của mình trong suy nghĩ của học sinh bằng những việc làm mà các em nhận ra là mình không “hết lòng hết dạ” để dạy dỗ chúng?”.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.