Để học sinh không "quay lưng" với môn Lịch sử
Lâu nay, chương trình môn Lịch sử được đánh giá là nặng và khô khan đối với các em học sinh. Đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử được ngành giáo dục xem là vấn đề cấp thiết, và chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, phải nhìn nhận, không phải không có lý do khiến học sinh quay lưng với môn Lịch sử, mà cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh không còn ngán ngẫm với môn học này.
Đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử là yêu cầu cấp thiết. |
“RUNG CHUÔNG VÀNG” LỊCH SỬ
Sáng thứ hai đầu tháng 10, tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) rộn rã tiếng cười và sự hào hứng của các em học sinh khi tham gia Tháng chuyên môn lịch sử. Mỗi lớp cử 2 - 3 học sinh tham gia Cuộc thi “Rung chuông vàng”. Đúng 7 giờ, học sinh tập trung ở hội trường theo dõi cuộc thi. Câu hỏi được giáo viên đọc vang lên: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân xâm lược Ngô, cởi ách nô lệ, há chịu cúi đầu làm tì thiếp cho người” là câu nói nổi tiếng của ai ? Học sinh chăm chú trả lời câu hỏi theo hình thức ghi đáp án vào bảng. Hết giờ suy nghĩ, các phương án đã được viết vào bảng con và đồng loạt giơ lên. Sau đáp án của người dẫn chương trình, 3 học sinh phải rời sàn thi đấu vì trả lời sai. Các bạn khác tiếp tục đấu trí ở những câu hỏi tiếp theo. Không khí càng sôi động hơn khi có học sinh trả lời sai, phải về chỗ ngồi. Cuộc thi kết thúc với chiến thắng ngoạn mục của em Nguyễn Công Tài, học lớp 12A2.
Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi tháng trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho từng môn học. Qua việc tổ chức Tháng chuyên môn lịch sử, nhà trường tạo sân chơi bổ ích để giúp các em yêu thích môn học Lịch sử và khắc sâu kiến thức.
Em Quách Nhật Khang, học lớp 12B cho biết: “Là học sinh có định hướng thi các môn khoa học tự nhiên, em rất thích tham gia những buổi học ngoại khóa như thế này. Chúng em thật sự thích thú vì không còn áp lực phải học các sự kiện khô khan nữa”.
Cô Lê Thị Mộng Trinh, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường cho biết, qua những tiết học thực tế như vậy, học sinh không những tham gia trò chơi, mà còn tự phục dựng lại các kiến thức lịch sử, giúp nhớ bài lâu hơn. Giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở, chỉ đường cho các em.
CẦN “MỀM DẺO” MÔN LỊCH SỬ
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện tốt việc phát triển năng lực học sinh, cho các em tự tìm hiểu, khám phá qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, gây hứng thú với môn học này. Bên cạnh đó, nhà trường áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy chiếu để bài giảng trở nên sinh động, tránh khô cứng, nặng nề...
Cô Trinh cho biết: “Giáo viên của trường luôn chú trọng những kiến thức trọng tâm, theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, không ôm đồm chương trình học. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua các trò chơi nhỏ và cho các em xem nhiều hình ảnh, video, nhạc, kể cho học sinh nghe những câu chuyện liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài..., rồi cho các em nhận xét, phân tích, tự rút ra kiến thức...”.
Cô Trinh cũng cho biết thêm, để củng cố kiến thức cho học sinh, giáo viên thường làm đồ dùng dạy học với những hình ảnh quen thuộc với đời sống hằng ngày của các em, ví dụ như tóm tắt lịch sử Liên Xô bằng hình ảnh chiếc xe lửa 4 toa, tóm tắt kiến thức về Liên Hợp quốc qua hình ảnh con cua... Mỗi tuần, nhà trường đều có tiết mục “Bản tin thời sự trong tuần”, kết nối lịch sử với hiện tại, giúp các em nắm được tình hình trong và ngoài nước, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về những sự kiện đang diễn ra, có thái độ đúng đắn hơn trong cuộc sống...
Em Cam Bảo Hân, học lớp 12C chia sẻ: “Trong lớp, chúng em được giáo viên hướng dẫn bài học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, đặt những câu hỏi mở. Chúng em suy nghĩ tìm ra câu trả lời, chứ không học thuộc lòng những con số, sự kiện khô khan. Học lịch sử là học làm người, học kỹ năng sống, chính vì thế em rất thích học môn này”.
Ở Trường THPT Chuyên Tiền Giang, để tạo sự hào hứng cho học sinh khi học môn Lịch sử, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều chuyến đi thực tế để các em được trải nghiệm. Cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong mỗi năm học, ngoài những giờ học trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều chuyến tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh như: Lăng và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc… Qua mỗi chuyến đi, học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế, viết bài thu hoạch về các di tích lịch sử, qua đó giúp học sinh khắc sâu bài học hơn...”.
Để học sinh không “quay lưng” với môn Lịch sử thì vai trò truyền đạt của giáo viên là vô cùng quan trọng. Đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử là yêu cầu bức thiết, rất cần sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đặc biệt là ngành GD-ĐT.
ĐỖ PHI