Thứ Hai, 13/11/2017, 16:20 (GMT+7)
.

Cần quan tâm bậc học đầu đời của trẻ

Giáo dục mầm non là bậc học quan trọng đầu đời của trẻ. Thời gian qua, công tác giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở bậc học mầm non có 2 điểm quan trọng là giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh cho trẻ cần phải được đặt lên hàng đầu.

Thời gian qua, ngành Giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục ở bậc học mầm non.
Thời gian qua, ngành Giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục ở bậc học mầm non.

TỪ GIÁO DỤC

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 188 trường mầm non, với 61.783 trẻ. Công tác huy động trẻ ra lớp được xem là vấn đề cấp thiết, được toàn xã hội quan tâm. Trong năm học này, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non, hiện tại, các trường trên địa bàn tỉnh tăng cường tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp từng lứa tuổi vào từng bài học cụ thể. Tùy theo điều kiện, nhà trường lựa chọn các nội dung giáo dục phù hợp, đổi mới hình thức giáo dục, tổ chức hoạt động theo nhóm, nâng cao năng lực cá nhân, phát triển kỹ năng giao tiếp, tránh tình trạng trẻ ngồi học thụ động.

Năm học 2017 - 2018, đối với bậc học mầm non, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mỗi huyện sẽ chọn 70% số trường thực hiện chuyên đề, cứ sau 2 năm sẽ tiến hành sơ kết chuyên đề. Ở một số trường có điều kiện, còn tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh, đảm bảo phương pháp, hình thức phù hợp với trẻ. Bên cạnh đó, đối với những trường mầm non có trẻ khuyết tật, đã tạo điều kiện để các em được học hòa nhập. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh tổ chức điều tra, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết: “Để nâng cao chất lượng ở bậc học mầm non, Sở GD-ĐT thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn; quan tâm đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, chú trọng xây dựng chương trình cho trẻ phải sát với thực tế, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm…”.

ĐẾN BỮA ĂN

Nhằm giúp trẻ có khả năng phát triển cả về trí lực và thể lực, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo các chất dinh dưỡng và năng lượng theo quy định.

Là một trong những trường gặp không ít khó khăn của huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, Trường Mầm non Tân Phú đã được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện trường có 362 trẻ học bán trú. Mức đóng tiền ăn cho trẻ do phụ huynh tự đóng góp là 16 ngàn đồng/ngày/trẻ. Đối với trẻ học bán trú, nhà trường tổ chức 1 bữa ăn sáng, 1 bữa chính, 1 bữa phụ và sữa. Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm với tỷ lệ cân đối và hợp lý. Các món ăn được thay đổi thường xuyên, không lặp lại, tránh gây nhàm chán cho trẻ. Nhà trường cũng đã tiến hành tính khẩu phần ăn của trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng để điều chỉnh định lượng và cân đối về chất.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Mỹ Hoa cho biết, hiện tại, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, nhà trường đã tăng cường chỉ đạo công tác vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thức ăn đúng quy trình một chiều. Ngoài ra, trường còn chú trọng dọn vệ sinh ở các lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh; tuyên truyền đến phụ huynh công tác giữ gìn và chăm sóc trẻ...

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, năm học 2017 - 2018, có 151/188 trường tổ chức bán trú với trên 47 ngàn trẻ, chất lượng các bữa ăn từng bước được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ khám và theo dõi sức khỏe cho trẻ trên biểu đồ tăng trưởng đều đạt 100%. Có trên 90%  trường sử dụng phần mềm tính khẩu phần ăn cho trẻ bán trú...

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo dinh dưỡng tại các bữa ăn, ngành GD-ĐT đã đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, phương tiện tổ chức bữa ăn cho trẻ; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn kiến thức về giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% cơ sở giáo dục mầm non có bếp ăn bán trú đều được kiểm tra định kỳ hằng năm…

Trưởng phòng Giáo dục mầm non Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết thêm, năm học 2017 - 2018, phấn đấu tỷ lệ nhóm, lớp có bán trú tăng 1,5%; đến cuối năm học tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ít nhất còn 0,5% so với đầu năm học, khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì...
Bậc học mầm non là vô cùng quan trọng. Mong rằng ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ đầu tư nhiều nguồn lực, công sức hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.

Đ. PHI

.
.
.