Những giáo viên tình nguyện của Gò Công Tây
Giai đoạn những năm 1980 - 1990, mỗi khi nhắc đến các huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang như Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên… nhiều người rất lo về công tác giáo dục. Tỷ lệ mù chữ cao, nhiều học sinh đến tuổi chưa được tới trường, số con em thi đậu vào đại học rất hiếm.
Thế rồi, nhờ sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của địa phương, cùng với quyết sách mời giáo viên từ Tiền Giang, Đồng Tháp… về dạy học miệt vùng sâu này, đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục…
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn 1 Vĩnh Thuận đã được học tập trong điều kiện đầy đủ cơ sở vật chất |
Lặn lội tìm giáo viên
Ông Nguyễn Văn Thân, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho biết: “Địa bàn huyện ngày trước là vùng căn cứ cách mạng, chịu nhiều mất mát trong chiến tranh; cộng với điều kiện hạ tầng yếu kém, nhiều sông rạch nên việc học ở đây rất khó. Thời đó, trường lớp đa phần là tre lá, tạm bợ, nhưng rất thưa thớt, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng, tỷ lệ học sinh ra lớp thấp… Trước khó khăn trên, huyện Vĩnh Thuận xác định phải đột phá trong giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho người dân nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội”. Huyện tập trung các nguồn lực để xây dựng trường lớp, làm đường giao thông, vận động các bậc phụ huynh đưa con em ra lớp.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải của Vĩnh Thuận, cũng như các huyện khác là thiếu giáo viên. Tháo gỡ việc này, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất chủ trương mời các giáo viên từ Tiền Giang, Đồng Tháp… sang Kiên Giang đứng lớp, mang con chữ đến với người dân vùng U Minh Thượng.
“Năm 1987, tôi được lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận và Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cử sang huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) mời giáo viên về Vĩnh Thuận công tác. Tại huyện Gò Công Tây, tôi có buổi nói chuyện với hơn 100 giáo viên về tình hình khó khăn của Vĩnh Thuận trong việc dạy và học. Thế nhưng, huyện quyết tâm phát triển giáo dục, đặt giáo dục lên hàng đầu và trọng thị các giáo viên từ xa đến. Vĩnh Thuận sẵn lòng chào đón những giáo viên từ xa về lập nghiệp. Qua buổi gặp gỡ đó, đã có 70 giáo viên từ huyện Gò Công Tây tình nguyện về Vĩnh Thuận giảng dạy”, ông Nguyễn Văn Thân, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận, nhớ lại.
Ngay lập tức huyện Vĩnh Thuận thuê xe đò sang Gò Công Tây rước giáo viên về Rạch Giá, sau đó ngồi tàu, đò gần cả ngày để về vùng sâu Vĩnh Thuận. Ngành giáo dục phân về mỗi trường 2-3 giáo viên, đồng thời bố trí giáo viên ở nhà công vụ ngay tại trường hoặc ở nhờ nhà dân. Năm 1988 và 1989, có thêm 174 giáo viên từ Tiền Giang về Vĩnh Thuận giảng dạy.
Gian nan bám trường, bám lớp
Cô Đặng Thị Thủy, quê ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận, kể lại: “Năm 1987, tôi vừa học xong ngành sư phạm ở Tiền Giang thì được mời nghe Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận trao đổi về nhu cầu giáo viên. Tôi là con gái út trong gia đình nên người thân không muốn cho đi xa, nhất là vùng sâu Vĩnh Thuận, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó. Thế nhưng, tuổi trẻ không ngại khó và muốn thử sức, tôi tình nguyện về đây ngay đợt đầu tiên”. Thời điểm đó, cô Thủy cũng như các giáo viên khác phải giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị, trường lớp, phòng học tạm bợ, bàn ghế được kê bằng tre hoặc ván gỗ… Nhà công vụ của giáo viên cất bằng cây tạp, dựng vách bằng lá dừa nước, không có điện, phải thắp đèn dầu. Muỗi nhiều vô kể. Khó khăn trăm bề, vậy mà có khi 6 tháng dài các giáo viên chưa nhận được đồng lương nào. Ai cũng thiếu thốn, phải nhờ người dân cho gạo, chính quyền hỗ trợ thức ăn để giáo viên sinh sống, tiếp tục bám lớp, bám trường.
“Hay tin điều kiện sống quá khó, nhiều lần gia đình kêu tôi trở về quê. Nhưng mỗi lần định về, chợt nghĩ tới những học sinh vùng sâu này thật dễ thương, do điều kiện khó khăn phải đi học trễ, có học sinh cao bằng cô giáo. Nếu mình ngại khó mà bỏ về và những giáo viên khác cũng bỏ về, thì ai dạy các em. Những câu hỏi đó khiến tôi day dứt trong lòng và cuối cùng tôi quyết định ở lại vì những học sinh thân yêu vùng này”, cô Đặng Thị Thủy tâm sự. Và xuyên suốt 18 năm đứng lớp giảng dạy, năm 2005 cô Thủy được đề bạt làm hiệu phó, từ năm 2012 đến nay làm hiệu trưởng ngôi trường này. Học trò của cô bây giờ nhiều người thành đạt, công tác nhiều nơi.
Cũng tình nguyện mang con chữ về vùng sâu Vĩnh Thuận, vợ chồng của cô Trần Thị Tuyết từ huyện Gò Công Tây về giảng dạy ở Trường Tiểu học thị trấn 1 Vĩnh Thuận vào năm 1989. Trường thiếu giáo viên nên cô Tuyết dạy luôn 2 lớp (1 và 5). Những ngày thi, thấy học sinh ở xa đi lại khó khăn, cô Tuyết đưa các em về nhà công vụ tre lá của mình, nấu cơm ăn chung. Cuộc sống thiếu thốn nhưng cô Tuyết vẫn bám trường, bám lớp giảng dạy cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2003. Chồng cô Tuyết là thầy Lê Quang Minh cũng gắn bó với trường suốt mười mấy năm, cho đến khi thầy bị bệnh mất vào năm 2000.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Tuyết bộc bạch: “Vợ chồng tôi rời quê Tiền Giang sang Vĩnh Thuận dạy học và chọn nơi đây là quê hương thứ hai. Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng tôi chuyên tâm dạy học, không làm thêm bất cứ nghề nào khác. Rất vui là những năm qua có nhiều học sinh của mình trưởng thành và thành đạt, công việc ổn định. Hàng năm cứ tới ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều học trò cũ về trường ghé thăm cô giáo, vui lắm…”.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “Liên tục những năm qua, công tác giáo dục ở huyện rất khởi sắc và được cấp trên đánh giá cao. Đến nay, toàn huyện có 33 điểm trường (trong đó 20 điểm trường đạt chuẩn quốc gia), tất cả được xây dựng kiên cố khang trang, không còn trường tre lá. Đội ngũ giáo viên giờ đã đáp ứng đủ cho các cấp học, ngành học. Việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt hơn 99%. Công tác dạy và học không ngừng nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT đạt hơn 94%. Điều đáng mừng là giờ đây có nhiều gia đình lo cho con em vào đại học ở Cần Thơ, TPHCM, Kiên Giang.
Có thể nói, cùng với nỗ lực của địa phương, sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự hỗ trợ của ngành giáo dục Tiền Giang, mà cụ thể là hàng trăm giáo viên ở huyện Gò Công Tây tình nguyện về Vĩnh Thuận giảng dạy trong thời điểm vô cùng khó. Qua đó, tạo nền móng và động lực đưa giáo dục của huyện đi lên. Huyện luôn tri ân và nhớ công lao to lớn của những giáo viên đã mang con chữ về vùng sâu này, nhờ đó mà trình độ học vấn của người dân nâng lên, nhiều người có việc làm ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…” .
Theo sggp.org.vn