Thứ Hai, 20/11/2017, 15:26 (GMT+7)
.

Tưởng nhớ các Liệt sĩ ngành Giáo dục hy sinh tại Kỳ Đà

Đồng chí Phạm Văn Khanh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của ông Nguyễn Văn Phỉ (Ba Khôi) cho gia đình ông tại nhà riêng (ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vào năm 2012.
Đồng chí Phạm Văn Khanh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của ông Nguyễn Văn Phỉ (Ba Khôi) cho gia đình ông tại nhà riêng (ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vào năm 2012.

Trong buổi Họp mặt kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở GD-ĐT Tiền Giang, nhiều thầy cô, cán bộ lão thành ngành Giáo dục tưởng nhớ và kể lại sự kiện các Liệt sĩ trong ngành đã anh dũng hy sinh tại khu vực Kỳ Đà, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho năm 1968. Qua những câu chuyện kể, nhiều đại biểu dự họp mặt xúc động, đề nghị biên tập lại sự kiện này để góp phần giáo dục truyền thống và vinh danh những liệt sĩ của ngành.

Sau họp mặt, nhiều thầy cô, cán bộ trong ngành đã tìm kiếm tư liệu để biên tập lại sự kiện cho ngành và đã có kết quả bước đầu. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, xin đưa lên Báo Ấp Bắc những dòng kết quả này và mong được đón nhận thêm những bổ sung của quý thầy cô cùng các bạn đọc cho đầy đủ.

DIỄN BIẾN SỰ KIỆN

Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” (1) cho giáo viên được ngành Giáo dục huyện Cái Bè tổ chức tại khu vực Kỳ Đà vào giữa tháng 9-1968. Địa điểm đặt lớp học nằm bên bờ kinh Bằng Lăng - đoạn kinh Bằng Lăng gốc (2),  cách bờ kinh Bằng Lăng hơn 200 m, gần rạch Ông Bích (3) có nhiều cây cối rậm rạp để đảm bảo an toàn. Đối tượng dự lớp là Trưởng ban Giáo dục và giáo viên kháng chiến các xã trong huyện. Lớp có khoảng 30 học viên (4).

Lúc bấy giờ, huyện Cái Bè có 16 xã, tuy vậy cũng có xã không cử được học viên nào. Lịch học tập, sinh hoạt của lớp: Sáng dậy học viên phải sắp xếp đồ đạc, tư trang, dụng cụ học tập gọn nhẹ và ăn cơm sớm - lúc 5 giờ. Nếu tình hình yên ổn thì bắt đầu học, buổi sáng lúc 8 hoặc 9 giờ, buổi chiều thảo luận, sinh hoạt hoặc học tiếp. Nếu tình hình có động thì cất giấu tài liệu và phân tán lớp học theo kế hoạch.

Sáng sớm ngày 29-9-1968, địch mở cuộc hành quân lớn, càn quét, bắn phá và đổ quân xuống khu vực xẻo Xịnh (nay thuộc ấp Mỹ Nghĩa, xã Mỹ Đức Tây), cách lớp học chỉ vài cây số. Thấy động, đồng chí Ba Khôi, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Bè, phụ trách lớp học, cho lớp tạm nghỉ, cất giấu tài liệu. Các học viên hợp pháp (có giấy căn cước) lánh vào nhà dân, các học viên khác trú ẩn ở hầm bí mật hoặc lội qua kinh Bằng Lăng về địa điểm 2, thuộc khu vực Cái Sơn, xã Mỹ Thiện, chờ tình hình lắng dịu sẽ trở lại lớp. Lúc này, mùa nước nổi đang lên. Nhiều học viên nhập vào nhóm đi về Cái Sơn. Có 10 học viên đi ra bờ kinh Bằng Lăng. Đồng chí Ba Khôi cất giấu tài liệu của lớp xong sẽ đi sau. Có học viên nam bị cụt chân, sử dụng chân giả gặp khó khăn trong việc đi lại, phải ở lại gần lớp học và chuẩn bị đi trú ẩn ở hầm bí mật (việc này cũng phải bí mật, không được để người khác trông thấy). Khi các học viên ra đến bờ kinh Bằng Lăng, chưa kịp lội qua kinh, thì máy bay trực thăng địch ào tới quần thảo để dọn đường cho cánh quân bộ từ xẻo Xịnh hướng về Kỳ Đà. Nơi đây là bờ kinh, nhà dân thưa thớt, không có đủ trảng xê và công sự ở gần, địa hình lại trống trải, nên cả nhóm núp dưới tán cây vú sữa, nơi có 1 trảng xê cũ, gần vàm rạch Ông Bích chờ cơ hội vượt qua kinh, nhưng không may trực thăng địch phát hiện, đã rà sát mặt kinh tìm và bắn xối xả vào tán cây vú sữa. Chúng bắn đi, bắn lại nhiều lần. Cả 10 đồng chí đều hy sinh. Lúc này, đồng chí Ba Khôi đã tới nơi và lội xuống kinh Bằng Lăng hướng dẫn học viên mình vượt qua kinh, ra khỏi vùng càn quét của địch, nhưng không còn kịp. Đồng chí Ba Khôi núp dưới bệ đất của gốc ô môi lớn bên bờ kinh mà địch cũng phát hiện được, đã bắn vào gốc ô môi, thi thể đồng chí bị kẹt trong gốc ô môi, mãi ba bốn ngày sau mới tìm được.

Sau đó, các trực thăng địch chuyển sang quần thảo khu vực lớp học, bắn phá và phát hiện học viên nam cụt chân ở gần khu lớp học. Chúng bay rà sát mặt ruộng xem xét tình hình, có lẽ định bắt sống đồng chí này. Chờ cho chiếc trực thăng vòng lại vừa tầm, đồng chí này từ chỗ núp đã ném lên trực thăng một quả lựu đạn, nổ trên không trung, khói bay mù mịt. Thấy vậy, trực thăng bay lên cao và xả súng bắn xuống, đồng chí hy sinh.

Như vậy, xung quanh khu vực lớp học có 12 cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục (9 nữ, 3 nam) đã anh dũng hy sinh - số liệt sĩ giáo dục hy sinh nhiều nhất trong một trận càn của địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở tỉnh Mỹ Tho.

Đến trưa cùng ngày, một cánh quân địch càn quét đến địa điểm này, có một số tên Mỹ đi cùng. Chúng đếm xác, chụp hình, quay phim, tìm kiếm tài liệu nhưng không tìm được gì. Chúng lấy đi một ít nữ trang, vật dụng của các liệt sĩ rồi bỏ đi. Tối hôm đó, du kích xã Mỹ Đức Đông và bà con ở đây đã đào hố, gói ghém tạm thời, rồi đem chôn các liệt sĩ ngay tại nơi này và thông báo cho gia đình thân nhân các liệt sĩ được biết. Ngày hôm sau, gia đình các liệt sĩ đã được du kích xã và bà con nơi đây giúp đem thi thể các liệt sĩ về quê an táng. Riêng hài cốt đồng chí Ba Khôi, sau ngày giải phóng đã được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mỹ Đức Đông và quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cái Bè. Gia đình đồng chí đồng ý để hài cốt đồng chí Ba Khôi ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, không đem về quê.

Bà Trương Thị Chậu bên ngôi miễu thờ  các liệt sĩ ngành Giáo dục.
Bà Trương Thị Chậu bên ngôi miễu thờ các liệt sĩ ngành Giáo dục.

SAU SỰ KIỆN

Sau ngày 29-9-1968, người dân ở Kỳ Đà vô cùng cảm kích về sự hy sinh của 12 liệt sĩ ngành giáo dục (5). Gia đình ông Trương Văn Bích đã lập miễu thờ các liệt sĩ ngay tại nơi các liệt sĩ đã hy sinh. Hằng đêm, gia đình ông luôn cắt đặt người lo nhang khói cho nơi thờ tự và đến ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm gia đình ông cúng giỗ cho các liệt sĩ. Có năm, ông kết hợp cúng giỗ các liệt sĩ với các ngày giỗ trong gia đình hay các ngày lễ, tết của dân tộc. Nhiều lần ông và nhiều người dân trong xóm hùn tiền làm heo quay tổ chức cúng giỗ và mời cán bộ, bà con trong xóm, ấp đến dự.

Theo năm tháng, miễu thờ bằng tre lá bị hư, ông Bích làm lại miễu bằng gỗ, ván, lợp ngói, lợp tôn. Sau ngày ông Bích mất, ngôi miễu bị hư dần dần. Con gái của ông là bà Trương Thị Chậu (bà Chín Chậu) tiếp nối theo cha, tiếp tục nhang khói cho miễu thờ liệt sĩ. Những năm gần đây, do lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, bà Chín ra chợ tìm mua cái miễu nhỏ bằng xi măng để thờ cho đến nay.

Các liệt sĩ còn rất trẻ, đa số ở tuổi mười tám đôi mươi, chưa có chồng, có vợ. Chỉ có Trưởng ban Giáo dục xã Hậu Thành Chín Kiểm là có vợ con. Việc lập miễu thờ các liệt sĩ là nghĩa cử cao đẹp của bà con ở đây, nhất là gia đình ông Trương Văn Bích. Ông đã lập miễu thờ ngay trong sân nhà mình và nhang khói hằng đêm, cúng giỗ hằng năm. Đặc biệt, bà Trương Thị Chậu đã từng chứng kiến sự kiện và đã thắp nhang cho các liệt sĩ suốt 49 năm qua, từ lúc bà còn là một bé gái chín, mười tuổi; nay bà đã cận kề tuổi 60 và vẫn còn tiếp tục thắp nhang cho các liệt sĩ.

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục huyện, tỉnh cần có những việc làm cụ thể để biến nơi hy sinh của các liệt sĩ nơi đây thành một địa chỉ lưu niệm, điểm đến cho hoạt động “Về nguồn” của học sinh, sinh viên và bày tỏ sự tri ân của ngành với gia đình ông Trương Văn Bích bằng những việc làm thiết thực.

NGƯT-TS PHẠM VĂN KHANH

(Cán bộ hưu trí ngành Giáo dục)
(1) Tên lớp học ghi theo lời kể
(2)  Kinh này có 3 đoạn : Bằng Lăng gốc, Bằng Lăng giữa và Bằng Lăng ngọn.
(3) Con rạch đào đi ngang qua ruộng và nhà ông Trương Văn Bích nên gọi là rạch Ông Bích, ngày nay rạch đã bị bồi lấp không còn nữa.
(4)  Theo lời kể bà Lê Thị Đền.
(5) Nhiều người kể có 12 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện này, một số cho là có 11 hoặc là 9.

.
.
.