Thứ Tư, 06/12/2017, 06:21 (GMT+7)
.

Chuyện về cô Hồng thư viện

Với cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Phước 1, huyện Gò Công Đông, Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua rất đặc biệt đối với cô, bởi là Ngày Nhà giáo cuối cùng mà cô được đứng trên bục giảng. Là giáo viên Mỹ thuật nhưng lại “bén duyên” với công tác thư viện gần 17 năm, lúc nào cô Hồng cũng trăn trở để tìm tòi những phương pháp mới, giúp học sinh của mình ham thích đọc sách. 

Dù công tác ở lĩnh vực nào, cô Hồng vẫn hết mình với công việc.
Dù công tác ở lĩnh vực nào, cô Hồng vẫn hết mình với công việc.

Tiết đọc thư viện của cô Hồng ở lớp 3 được phân thành 4 nhóm học tập, được cô Hồng hướng dẫn bài “Câu chuyện bó đũa”. Cả lớp im phăng phắc theo dõi từng lời kể của cô giáo. Chốc lát, cô Hồng lại lên giọng, rồi bất chợt xuống giọng, nhằm tạo kịch tính cho câu chuyện. Chưa đầy 10 phút, câu chuyện của cô Hồng đã kết thúc, tràng pháo tay giòn giã vang lên. Cô phân lớp thành các nhóm để làm việc: Nhóm vẽ tranh, nhóm sắm vai kể chuyện,  nhóm khác thì viết cảm nhận về câu chuyện.

Với giọng trong trẻo, điệu bộ hồn nhiên của tuổi học trò, các em học sinh diễn tả lại câu chuyện một cách sống động và sáng tạo. 10 phút cuối giờ, cô ân cần sửa từng bài tập cho các nhóm, chỉ ra những cái làm được và chưa được của các em, rồi hỏi: “Qua câu chuyện này, các em rút ra bài học gì?”. Em Trần Thúy Vy đứng dậy: “Dạ thưa cô, qua câu chuyện bó đũa khuyên chúng ta phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”.

Không giống như tiết học khác, cô Hồng xin thêm 10 phút để nói vài lời sau cùng với học trò của mình: “Hôm nay là tiết học cuối cùng cô dạy các em, vì cô nghỉ hưu. Các em sẽ được học với giáo viên mới. Cô mong các em sẽ ngoan và chăm chỉ đọc sách hơn nữa. Cô gửi lời chào thương yêu đến tất cả các em!”. Bất chợt cuối lớp có em đứng dậy bật khóc: “Cô ơi đừng bỏ tụi con. Nhớ ghé thăm tụi con nhe cô!…”. Cô tự nhủ với lòng là không được khóc, nhưng không hiểu sao nước mắt cô lại bất chợt lăn dài trên má và khóe mắt của học trò nào cũng rưng rưng.

Thầy Huỳnh Văn Gòn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phước 1 cho biết, trước đây công tác thư viện của trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy cô Hồng là giáo viên có trách nhiệm nên Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công cô đảm nhận công tác thư viện và được đồng nghiệp rất mực ủng hộ. Từ giáo viên đứng lớp, đột ngột được chuyển sang làm công tác thư viện, mọi thứ với cô phải làm lại từ đầu. Không ngại đường xa, hễ nghe ở đâu có mô hình thư viện hay là cô lặn lội tìm đến để học tập kinh nghiệm đem về áp dụng cho trường mình. Thấy tấm mốt, lon sữa bò, chai nước… mà người ta bỏ, cô nhặt đem về trường để làm đồ trang trí cho thư viện. “Có những ngày công việc chưa xong, tôi phải ở lại trường qua đêm để làm. Sau khi đã trang trí thư viện khang trang, điều khiến tôi trăn trở là làm sao thu hút các em vào đọc sách?” - cô Hồng cho biết.

Với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, cô đã tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường bổ sung đầu sách, khuyến khích học sinh, giáo viên đóng góp sách, làm phong phú nguồn sách cho thư viện. Nhờ vậy, hằng năm, số lượng sách của thư viện tăng lên. May mắn thay, năm học 2014 - 2015, Dự án Room to read (phòng đọc sách) được triển khai tại Trường Tiểu học Tân Phước 1. Giáo viên và học sinh của trường rất hào hứng vì được tiếp cận với nguồn sách mới. Vậy  là, thêm công việc, tuy vất vả, nhưng khi thấy học trò của mình mỗi ngày chăm chỉ đến thư viện, cô như được tiếp thêm động lực. Cô Hồng được tham gia các buổi tập huấn, tiếp cận với phong cách làm việc hiện đại và khoa học. Khi đã có nguồn sách dồi dào, cô Hồng bắt đầu triển khai tiết đọc thư viện, mô hình thư viện xanh trong trường. 

Có hôm, sau giờ tan trường, nhiều em học sinh vẫn còn nán lại thư viện để đọc sách. “Cô ơi, chờ con đọc hết cuốn sách này rồi về nhe cô. Nghe học trò nói vậy, trong lòng tôi vui lắm, đợi tới khuya tôi cũng đợi. Rồi có những lúc vất vả đưa sách đến điểm trường phụ, em nào cũng cầm lên nâng niu, xin mượn về nhà” - cô Hồng kể lại những kỷ niệm.

Gần 17 năm làm công tác thư viện, cô Hồng nhớ nhất là trường hợp của em Phan Hoài Tâm, học sinh bị khiếm khuyết về trí tuệ. So với nhiều bạn bè cùng trang lứa thì sức học em Tâm chưa bằng, nhưng hễ đến tiết đọc thư viện của cô Hồng là em lại đòi cô phát sách. Mỗi khi nhìn Tâm cầm những quyển sách lật từng trang xem hình ảnh, cô Hồng như được tiếp thêm động lực để trụ với nghề.

Có thể nói, hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, dù ở cương vị công tác nào, cô Hồng cũng cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, nhiều năm liền được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và nhiều năm liền nhà trường đạt thành tích Thư viện xuất sắc.

CÔNG PHI

.
.
.