Thứ Hai, 18/12/2017, 20:23 (GMT+7)
.

Làm giáo viên chủ nhiệm có khó?

Công tác chủ nhiệm lớp có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh và các phong trào của lớp. Thực tế, nếu giáo viên chủ nhiệm (GVCN) làm tốt chức trách được giao thì không những phong trào học tập của lớp đi vào nền nếp, mà còn nâng chất lượng học tập và các hoạt động khác của lớp. Theo nhiều giáo viên, thực hiện tốt công tác chủ nhiệm là điều không mấy dễ dàng.

Giáo viên chủ nhiệm phải luôn sâu sát tình hình học tập của lớp, tâm tư, tình cảm của học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm phải luôn sâu sát tình hình học tập của lớp, tâm tư, tình cảm của học sinh.

NỖI KHỔ CỦA GVCN

Với đặc điểm tâm sinh lý khác nhau của học sinh ở từng bậc học thì khó mà có thể khẳng định làm GVCN bậc học nào sướng hơn. Chung quy lại, nhiệm vụ chính của GVCN là nghiên cứu, nắm vững tình hình của lớp học; tổ chức các hoạt động học tập, thể thao, văn nghệ; phối hợp với giáo viên bộ môn, phụ huynh để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh... Thoạt nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng công việc thì không hề đơn giản chút nào. 

Với học sinh bậc trung học là lứa tuổi nhạy cảm với nhiều biến đổi về tâm sinh lý, đòi hỏi GVCN lúc nào cũng phải thấu hiểu, ứng xử sao cho khéo để tránh làm các em tổn thương. Theo chia sẻ của nhiều GVCN ở bậc học này, khi học sinh vi phạm nội quy lớp học thì GVCN là người đầu tiên bị giáo viên bộ môn trút bỏ phiền muộn trong tiết dạy. Chưa kể, nếu học sinh vi phạm nhiều thì GVCN sẽ bị Ban Giám hiệu khiển trách, kiểm điểm vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy Nguyễn Tấn Đạt, giáo viên Trường THCS Hậu Mỹ Bắc B, có thâm niên hơn 15 năm làm công tác GVCN chia sẻ: “Chất lượng học tập và phong trào của lớp trong mỗi học kỳ đều phải giữ vững, nâng lên, nếu không sẽ bị Ban Giám hiệu yêu cầu giải trình, đánh giá chưa làm tròn chức trách... ”. Thầy Đạt kể thêm, có lần cho lớp mình chủ nhiệm làm vệ sinh lớp học, trong đó có 2 học sinh không tham gia. Thầy ân cần khuyên nhủ, nhưng đáp lại là sự thờ ơ đến lạnh lùng. 

Đối với học sinh bậc tiểu học, GVCN được ví như là “bảo mẫu”, phải chăm lo cho các em từng chút một, từ chuyện học đến chuyện chơi, cách giao tiếp, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh... Đặc điểm của học sinh ở bậc này là dễ uốn nắn, nhưng cũng làm GVCN cảm thấy rất mệt, vì sự non nớt, bé bỏng và hiếu động của các em.

Cô Thái Thị Anh Thư, Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Phú Đông chia sẻ: “Tôi chủ nhiệm lớp 1, với 35 em, uốn nắn các em từ việc cầm viết đến vệ sinh, ăn uống… Nhiều lúc cảm thấy nản, nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ của các em làm tôi gắn bó với nghề “gõ
đầu trẻ” trong gần 15 năm qua...”.

Để giảm áp lực cho GVCN, ngành GD-ĐT đã thực hiện giảm 4 tiết dạy ở bậc trung học và 3 tiết dạy ở bậc tiểu học cho những GVCN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ưu đãi này chưa tương xứng với thời gian và công sức mà GVCN bỏ ra. Bởi, ngoài công tác giáo dục, GVCN còn phải làm nhiều hồ sơ, sổ sách. “Nào là kế hoạch lớp học, kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng, đầu năm thì vô sổ học bạ, cuối năm thì vào sổ điểm, sổ chuyên cần… Những lần đến cuối học kỳ, có GVCN “trực chiến” ở trường để làm cho xong công việc” - thầy Đạt chia sẻ.

GVCN  được xem là cầu nối liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Khi học sinh vắng, học sinh vi phạm kỷ luật thì GVCN có trách nhiệm thông báo đến phụ huynh và phối hợp cách giải quyết sao cho hiệu quả. Cô Thư nói: “Phải dùng lời lẽ sao cho thuyết phục khi nói chuyện với phụ huynh, để họ phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con cái mình...”.

ĐỂ LÀM TỐT

Để làm tốt công tác GVCN, trước hết cần có cái tâm yêu nghề, sự nhiệt tình, kiên trì, nhẫn nại...  Theo cô Trần Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình, ở đầu năm học, GVCN cần nắm bắt kỹ tình hình hoạt động của lớp và từng học sinh từ GVCN cũ của các em. Tiếp đến, GVCN cần tổ chức biên chế lớp thành các tổ sao cho số lượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu ở mỗi tổ tương đối đồng đều. Khi phân công Ban cán sự lớp, GVCN cần chọn những học sinh học tốt, gương mẫu, chăm ngoan, có năng lực quản lý lớp và được tập thể học sinh tín nhiệm cao. “Bên cạnh xây dựng đội ngũ cán sự lớp, tôi thường xây dựng một nhóm học sinh có học lực khá, giỏi không nằm trong Ban cán sự lớp để theo dõi tình hình hằng ngày xảy ra ở lớp, nhằm chấn chỉnh kịp thời” - cô Tuyền nói.

Bên cạnh công tác tổ chức lớp học đi vào nền nếp, GVCN cũng cần hy sinh thời gian và công sức cho lớp. Ví dụ như, khi lớp tập văn nghệ, tham gia thể thao, hội trại… thì sự xuất hiện của GVCN hơn ai hết sẽ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn cho các em. Ngoài ra, trong buổi tập thể dục giữa giờ, hay những giờ tự quản của học sinh, GVCN cũng cần đến để quan sát, xem em nào nghiêm túc, em nào không nghiêm túc để kịp thời nhắc nhở.

Một điều không kém phần quan trọng là GVCN cần lắng nghe sự chỉ đạo, nhận xét từ Ban Giám hiệu, ý kiến của các giáo viên bộ môn về tình hình của lớp, của từng học sinh. GVCN cũng cần quan tâm nắm bắt gia cảnh của từng học sinh để quan tâm giúp đỡ, giúp học sinh an tâm học tập...

Có thể thấy, trong hoạt động giáo dục, GVCN làm biết bao công việc, từ chuyện giảng dạy đến chuyện sổ sách, nắm bắt tâm tư, tình cảm, kèm cặp, động viên các em... Chính vì vậy, rất cần sự chung tay góp sức không những của tập thể sư phạm nhà trường, mà còn từ phía phụ huynh, vì mục tiêu chung là giáo dục các em trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

ĐỖ PHI 

.
.
.