Thực trạng học sinh bỏ học ở huyện Gò Công Đông
Từ năm 2014 đến nay, tình trạng học sinh bỏ học ở huyện Gò Công Đông chiếm tỷ lệ khá cao, cụ thể: Trong năm học 2014 - 2015 có 302 bỏ học (trong số 9.167 học sinh), chiếm tỷ lệ 3,29%; năm học 2015 - 2016 có 234/9.068 em, chiếm tỷ lệ 2,58% và năm học 2016 - 2017 là 149/8.996 em, chiếm tỷ lệ 1,66%. Qua số liệu dẫn chứng của các năm học cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học có giảm, nhưng vẫn còn cao, chủ yếu là học sinh bậc trung học cơ sở (THCS), tập trung ở các xã ven biển (Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng, Tân Phước…).
Tình trạng học sinh bỏ học kéo theo nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với các em, gia đình các em, mà cả với nhà trường và xã hội. Khi bỏ học, tâm trạng chán chường, mặc cảm luôn đè nặng khiến những học sinh này thường dễ bị kích động, lôi kéo, sa vào các thói hư tật xấu. Tình trạng học sinh bậc THCS bỏ học trên địa bàn huyện Gò Công Đông do những nguyên nhân sau: Một số học sinh do cha mẹ phải đi làm ăn xa, các em ở với ông bà, chưa được ông bà quan tâm nhiều trong việc học. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm con đúng cách, hầu như giao quyền giám sát, giáo dục cho nhà trường mà thiếu đi sự nhắc nhở, động viên con mình.
Một số em có ý muốn tự lập, muốn thể hiện bản thân, có tâm lý đua đòi, không chú tâm đến việc học, nhận thức còn lệch lạc, nếu không được gia đình quan tâm sẽ lơ là học tập, dẫn đến bỏ học. Một bộ phận người dân do tác động của xã hội, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn đã khiến các em buộc phải lao động sớm để phụ giúp ba mẹ. Các trường THCS cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, có trường thiếu phòng học, phòng chức năng. Mặt khác, tỷ lệ học sinh trên lớp khá đông, một số xã chưa có trường THCS và có trường chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, chưa vận dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá để khuyến khích sự tiến bộ của học sinh. Ngoài ra, hiện nay, do ít con, nên việc nuông chiều con quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, các loại phim ảnh, trò chơi điện tử, các trang mạng xã hội vô bổ tràn lan đã ảnh hưởng xấu đến các em, dẫn đến bỏ học...
Để giải quyết triệt để tình trạng học sinh bậc THCS bỏ học, huyện Gò Công Đông tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích của việc học nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 18 của Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; thực hiện phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi và phân luồng học sinh sau THCS; về xây dựng trường chuẩn quốc gia, về chống lưu ban, bỏ học. Các đoàn thể trong nhà trường cần cụ thể hóa các giải pháp thành chương trình hành động, xem công tác duy trì sĩ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm học.
Phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết giảng dạy ở khối lớp đầu cấp. Xây dựng quy chế phối hợp với các đoàn thể tại cơ sở, địa phương, chỉ đạo công tác đảm bảo sĩ số ngay từ đầu năm học, thực hiện ký cam kết duy trì sĩ số với các giáo viên chủ nhiệm, thực hiện việc ký cam kết giữa học sinh - phụ huynh - giáo viên chủ nhiệm - các tổ chức có liên quan; đôn đốc kết hợp với kiểm tra, giám sát việc duy trì sĩ số thường xuyên. Tăng cường sự kết hợp giữa chuyên môn với các bộ phận khác trong nhà trường, đặc biệt với phụ huynh trong công tác phụ đạo học sinh yếu, duy trì sĩ số, giáo dục học sinh cá biệt để hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu ngay từ lớp đầu cấp. Giáo viên cần phải theo dõi thật sát biểu hiện của học sinh trong từng tiết dạy, nhất là những học sinh có thái độ chưa tốt trong học tập, nắm bắt các thay đổi của học sinh để kịp thời thông tin cho giáo viên chủ nhiệm, giám thị biết khi học sinh có các biểu hiện sa sút học tập, thường xuyên nghỉ học, trốn tiết... để nhà trường trao đổi với gia đình học sinh, nhắc nhở các em chuyên cần trong học tập. Bổ sung thêm tiêu chí thi đua về tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Tạo môi trường thật tốt để hằng ngày các em đến trường thật sự là một ngày vui. Tăng cường dự giờ, thao giảng, hội giảng, đánh giá tiết dạy.
Tăng cường các hoạt động dạy học lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, quan tâm nhiều hơn việc giáo dục hướng nghiệp và chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường, giáo dục học sinh có ý thức phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường để biết cách tự bảo vệ chính bản thân mình và quan tâm đến bạn bè mình. Phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm phối hợp trong việc thuyết phục, vận động, quan tâm đúng mức đến việc học của con em; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần để các em an tâm học tập...
Hy vọng trong thời gian tới tình hình học sinh bậc THCS bỏ học ở huyện Gò Công Đông sẽ được kéo giảm đáng kể.
LÊ HỒNG QUÂN