Làm sao "vẽ đường cho hươu" chạy đúng?
Học sinh hiện nay rất cần những kiến thức về giới tính, để tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm có thể gặp phải. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính (GDGT) cho học sinh đang gặp khó. Bởi GDGT luôn bị coi là chủ đề nhạy cảm, chưa được thực hiện rộng rãi trong các trường học. Phụ huynh thì cảm thấy “ngại ngùng” khi nói chuyện với con cái về giới tính. Vậy làm sao để “vẽ đường cho hươu” chạy đúng?
Các em học sinh giao lưu, đặt câu hỏi về giới tính với Thạc sĩ tâm lý Cao Văn Cang tại diễn đàn. |
GDGT TỪ MỘT DIỄN ĐÀN
Tại diễn đàn về GDGT có chủ đề “Thanh thiếu nhi TP. Mỹ Tho với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vừa diễn ra ở Trường THCS Bảo Định (TP. Mỹ Tho), Thạc sĩ tâm lý Cao Văn Cang (Chuyên gia tâm lý Viện tâm lý Sunnycare) mở đầu câu chuyện về giới tính bằng câu hỏi: “Tuổi dậy thì cơ thể bé trai và bé gái có gì đặc biệt?”. Nhiều em học sinh ngại ngùng đỏ mặt. Nhưng có em cũng mạnh dạn, giơ tay trả lời: “Theo em, sự đặc biệt ở đây là bạn nữ bắt đầu có kinh nguyệt. Các bạn sẽ trở nên nữ tính hơn. Còn ở bạn nam thì sẽ cao to, bắt đầu có ria mép và có hiện tượng “bể” tiếng”.
Ngay khi dứt câu trả lời, những tràng pháo tay giòn giã của các em học sinh vang lên càng làm cho không khí diễn đàn trở nên sôi nổi. Các em học sinh hào hứng bàn luận và chăm chú lắng nghe diễn giả tư vấn, nói chuyện.
Tiếp đến, Thạc sĩ tâm lý Cao Văn Cang đặt cho học sinh tình huống: “Khi bị người lạ mặt có hành động sàm sỡ, các em làm gì?”. Đa số học sinh đều có chung câu trả lời: “Sẽ bỏ chạy!”.
Đối với tình huống này, theo Thạc sĩ Cang, các em không nên bỏ chạy. Bởi các em càng bỏ chạy thì đối tượng sẽ càng tỏ ra thích thú và đuổi theo các em quyết liệt hơn. Điều quan trọng là các em phải thật sự bình tĩnh, để ứng xử với đối tượng một cách khéo léo. Trong trường hợp, nếu các em có điện thoại thì nên gọi hoặc nhắn tin cho một ai đó có thể nhanh nhất, để tìm phương án ứng cứu.
Diễn đàn đã cung cấp cho các em học sinh nhiều vấn đề về giới tính cùng những kiến thức, kỹ năng về chống xâm hại. Bên cạnh đó, tại diễn đàn, mọi thắc mắc thầm kín nhất của tuổi học sinh được giải đáp một cách thẳng thắn, rõ ràng và khoa học.
Với ý nghĩa thiết thực về GDGT từ diễn đàn, giáo viên và học sinh mong muốn ngành Giáo dục - Đào tạo cũng như các trường học cần nghiên cứu tổ chức nhiều hơn nữa các diễn đàn GDGT, để kịp thời hỗ trợ, giúp các em vượt qua khó khăn, trở ngại về những vấn đề liên quan đến giới tính, hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống.
CẦN SỰ CHUNG TAY
Thực tế, GDGT trong nhà trường hiện nay chưa thật sự phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý sớm của học sinh. Nội dung vẫn còn chung chung, không thiết thực. Ðiều này gây nên những hạn chế nhất định trong việc tiếp thu kiến thức GDGT và sức khỏe sinh sản ở học sinh. Em N.T.T.U., học sinh Trường THCS Bảo Định cho biết: “Ở nhiều tiết học, thầy cô có thực hiện lồng ghép việc GDGT vào bài học nhưng nội dung lồng ghép rất ít, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các bạn. Một số bạn do thiếu kỹ năng nên đã không tự bảo vệ được bản thân trước những hành động của kẻ xấu”.
Theo cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Định, GDGT cho học sinh cần phải thực hiện ngay khi các em còn ở bậc tiểu học, trong các giờ học môn khoa học hay đạo đức. Theo đó, điều quan trọng là giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách tự bảo vệ chính mình, nói không với các hành động xâm phạm từ kẻ xấu.
Một vấn đề quan ngại khác là khi nói đến việc GDGT thì các bậc phụ huynh còn e ngại và cho rằng việc đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Không đồng tình quan điểm này, Thạc sĩ tâm lý Cao Văn Cang cho rằng, nhu cầu hiểu biết về kiến thức giới tính để các em có những biện pháp tự bảo vệ bản thân là nhu cầu chính đáng.
Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường thì trách nhiệm của gia đình cũng vô cùng quan trọng. Phụ huynh nên ở gần con, theo dõi diễn biến tâm sinh lý, lắng nghe chia sẻ của con khi cần thiết. Cùng với đó, việc tiếp cận internet của học sinh hiện nay cũng quá dễ dàng. Các em có thể tự tìm hiểu các vấn đề liên quan giới tính từ các mạng xã hội. Do đó, phụ huynh cần quan tâm, định hướng tốt cho con cái về vấn đề này, để tránh những câu chuyện đáng tiếc xảy ra.
Có thể thấy, GDGT cho học sinh là việc làm vô cùng quan trọng. Bên cạnh vai trò của nhà trường thì rất cần sự chung tay của gia đình, để có những định hướng tốt về GDGT cho học sinh.
Các trường học cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, giao lưu giữa học sinh, giáo viên với các chuyên gia GDGT, tạo môi trường thân thiện để học sinh tiếp cận vấn đề giới tính một cách cởi mở.
Gia đình phải là điểm tựa quan trọng cho các em trong việc cung cấp, hỗ trợ những kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản; đồng thời lắng nghe và tạo niềm tin để các em có thể cởi mở giãi bày tâm sự.
Đ. PHI