Thứ Sáu, 19/01/2018, 14:41 (GMT+7)
.

Làm gì khi học sinh sử dụng mạng xã hội?

Những tiện ích mà mạng xã hội mang lại là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đối với học sinh, việc khai thác mạng xã hội làm sao cho phù hợp và hiệu quả đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Ở môi trường học đường, với vai trò của mình, thầy cô giáo nên là người “dẫn đường” cho học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội.

Học sinh cần được định hướng để sử dụng mạng xã hội hiệu quả.	Ảnh: TUẤN LÂM
Học sinh cần được định hướng để sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Ảnh: TUẤN LÂM

NHỮNG TIỆN ÍCH

Thực tế đa số học sinh hiện nay, nhất là học sinh ở các bậc học THCS, THPT đều sử dụng điện thoại thông minh. Hình ảnh những cô cậu học trò chăm chú dùng tay kéo, lướt những trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook…trên điện thoại di động đã quá đổi quen thuộc trong cuộc sống ngày nay.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tiền Giang, mạng xã hội hiện nay được xem là công cụ đắc lực giúp học sinh có thể tiếp cận một khối lượng thông tin hằng ngày. Tuy nhiên, việc ứng xử của học sinh với mạng xã hội còn hạn chế nên rất cần những thầy cô giáo làm người định hướng, chia sẻ, giúp đỡ các em khai thác mạng xã hội một cách tích cực hơn.

Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Tiền Giang, trang Facebook hiện nay của trường có trên 6.000 lượt theo dõi. Nhà trường cũng đang sử dụng trang Facebook này để thường xuyên cập nhật các thông báo về học tập, thi cử, chương trình ngoại khóa… cho học sinh toàn trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ: “Những thông tin và hình ảnh trước khi đưa lên trang Facebook của trường đều được trường chọn lọc kỹ càng, đảm bảo định hướng thông tin cho học sinh”.

Không chỉ có các trường mà ở nhiều lớp học đều có trang Facebook riêng, để chia sẻ thông tin với từng thành viên trong lớp, với giáo viên chủ nhiệm và cả giáo viên bộ môn.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, mạng xã hội không chỉ giúp giáo viên nắm bắt thông tin của học sinh mà còn giúp giải đáp cho các em nhiều vấn đề trong học tập; đồng thời kịp thời phát hiện những hành vi xấu, nhằm ngăn chặn, góp ý, định hướng cho các em.

Thầy Nguyễn Tuấn Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 Toán Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm, tôi rất quan tâm, lo lắng các em bị chi phối việc học tập, khi dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại, tiếp cận mạng xã hội'.

"Chính vì vậy, tôi đã lập trang Facebook cá nhân để có thể dễ dàng tiếp cận các em. Qua thời gian tiếp cận, tôi biết được có nhiều em không thể nói chuyện với cha mẹ hay thầy cô nhưng các em lại chia sẻ trên mạng xã hội. Từ đó, tôi đã suy nghĩ, tìm ra một số biện pháp nhằm định hướng, tư vấn tâm lý cho các em”.

GIÁO VIÊN CẦN “DẪN ĐƯỜNG” 

Những mặt tích cực, lợi ích của mạng xã hội là đã thấy rõ. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là không ít em đã lạm dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin có nội dung không lành mạnh. Từ đó, các em có thể vô tình tiếp tay cho những hành động xấu.

Nhằm giúp học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả, giáo viên cần hòa mình vào “dòng chảy” của các trang mạng xã hội hiện nay, để biết học sinh đang làm gì, suy nghĩ gì, từ đó giúp các em định hướng suy nghĩ và hành động cho đúng chuẩn mực.

Thầy Lê Hoàng Tuấn, giáo viên Trường THCS Bình Đông (TX. Gò Công) cho biết, hầu như mỗi ngày, thầy đều vào mạng xã hội để nắm bắt thông tin học sinh, kịp thời định hướng, điều chỉnh cho các em khi có những thông tin lệch lạc, không phù hợp.

“Hiện tại, mạng xã hội ngoài những tiện ích của nó thì cũng có vô số những “cạm bẫy” đe dọa đến học sinh. Học sinh chưa chủ động nắm bắt thông tin trên các trang mạng xã hội. Nhiều em “like” ảnh, “livestream”, bình luận một số thông tin một cách tùy tiện, không có chủ đích” - thầy Tuấn nói.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa, để giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh trong sử dụng mạng xã hội, nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhằm định hướng cho các em sử dụng mạng xã hội một cách có ích nhất; đồng thời cảnh báo những tác động xấu từ thông tin trên các mạng xã hội, để các em đề phòng, chọn lọc thông tin sao cho thật phù hợp.

“Chủ trương trường không cấm các em sử dụng các mạng xã hội nhưng các em cần phải biết cách sử dụng sao cho phù hợp để không sa đà vào các trang mạng thiếu lành mạnh” - cô Thoa cho biết.

ĐỖ PHI

.
.
.