Thừa hơn 40.000 giáo viên khi dạy chương trình giáo dục phổ thông mới
Khảo sát thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng số giáo viên thừa của các cấp học so với tổng số giáo viên hiện nay là 40.264 người.
Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN |
Trong đó, bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất. Hiện bậc học này đang có gần 311.000 giáo viên. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 giáo viên. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các địa phương trong thời gian tới cần tính toán để cân đối giáo viên ở bậc học này, thậm chí có thể dừng tuyển mới.
Biểu đồ thể hiện số lượng giáo viên dôi dư qua các năm học của bậc trung học cơ sở. |
Bậc trung học phổ thông cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 trong tổng số 150.700 giáo viên hiện tại. Bậc học này thừa thêm 4.387 giáo viên vào năm học 2022-2023 nhưng lại thiếu khoảng 21 giáo viên vào năm học 2023-2024.
Trong khi các cấp phổ thông thừa hàng nghìn giáo viên thì bậc tiểu học lại vừa thừa vừa thiếu.
Bậc học này đang có 397.000 giáo viên. Khi triển khai chương trình mới ở lớp một, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên, thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021.
Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, bậc học này lại thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên thiếu là trên 5.000 giáo viên.
Biểu đồ thể hiện sự thừa, thiếu giáo viên bậc tiểu học qua các năm. |
Dôi dư giáo viên về tổng thể nhưng xét theo từng môn ở từng cấp học lại có nhiều môn sẽ thiếu giáo viên với số lượng khá lớn.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô mỗi môn.
Ở bậc trung học phổ thông, khi triển khai chương trình giáo dục mới sẽ có thêm hai môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật nên theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, bậc học này vẫn cần tuyển thêm khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn.
Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.
Chương trình mới có nhiều khác biệt so với chương trình hiện hành như chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Chương trình mới sẽ dạy tích hợp ở bậc tiểu học và phân hóa dần ở các bậc học cao hơn. Giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở bậc trung học cơ sở. Bậc trung học phổ thông là chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/thua-hon-40000-giao-vien-khi-day-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi/485055.vnp)