Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Đó là chuyên đề được ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh triển khai thực hiện hơn 2 năm qua. Với điểm nhấn tích cực của chuyên đề là “Học mà chơi, chơi mà học” đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực ở bậc học mầm non.
Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm là một trong những trường được Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho đánh giá cao trong quá trình thực hiện Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Trường hiện có 14 nhóm lớp, với 624 trẻ. Chuyên đề được trường tổ chức thực hiện ở tất cả các nhóm lớp.
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đang tạo nhiều hiệu ứng tích cực ở bậc học mầm non. |
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức thực hiện chuyên đề, cô Hồ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm cho biết, trường đã xây dựng kế hoạch chuyên môn thực hiện chuyên đề.
Trong đó, trường thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trọng tâm là tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động, giao tiếp, tương tác tích cực theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”.
Giáo viên sẽ quan tâm hỗ trợ đến từng trẻ thay vì bao quát chung như trước đây. Từ đó, mở rộng những gì trẻ đang hứng thú và đang thực hiện bằng cách đặt câu hỏi mang tính tư duy, lắng nghe trẻ, trò chuyện và giao tiếp với trẻ. Giáo viên chỉ dẫn, đưa ra gợi ý, khuyến khích trẻ, chơi cùng trẻ, củng cố kiến thức và các kỹ năng khác.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất, môi trường xã hội trong và ngoài lớp học cũng được trường thực hiện theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm như: Xây dựng các góc hoạt động chính được duy trì thường xuyên, xây dựng môi trường học tập ngoài trời…
Qua đó, nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ sẽ được thỏa mãn. Nhân cách của trẻ hình thành và phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Sở GD-ĐT, Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai nhằm bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, công tác quản lý. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Theo đó, mục tiêu hướng đến năm 2020, bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.
Môi trường giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non (gọi chung là trường mầm non) mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ; đồng thời thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm đa dạng.
Cùng với đó, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non sẽ được nâng cao nhận thức và năng lực quản lý, tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương.
Kế hoạch chuyên đề còn huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất cùng quan tâm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các Phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch và triển khai chuyên đề. Theo đó, các Phòng GD-ĐT tổ chức rà soát điều kiện của các trường mầm non trên địa bàn trong việc đáp ứng yêu cầu của lấy trẻ làm trung tâm theo các tiêu chí đề ra.
Tùy điều kiện thực tế của địa phương, các Phòng GD-ĐT tiến hành xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề cho 5 năm. Toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non, với quy mô trên 60.000 trẻ.
Đến nay, 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chuyên đề. Trong đó, Sở GD-ĐT chọn 3 trường thực hiện điểm Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Trường Mần non Tam Hiệp (huyện Châu Thành); Trường Mầm non Bông Sen (TP. Mỹ Tho) và Trường Mẫu giáo Bình Minh (TX. Gò Công).
Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của Chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đang chú trọng xây dựng môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài lớp học an toàn, sạch đẹp, hấp dẫn cho trẻ.
Môi trường bên trong lớp học phải bố trí đảm bảo an toàn, đồ dùng, đồ chơi của trẻ phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, tránh cảm giác gò bó, tù túng. Môi trường bên ngoài lớp học phải tạo được sự thông thoáng, hài hòa để trẻ có thể tự do chơi đùa một cách thoải mái.
Bên cạnh đó, các trường còn đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và xã hội cùng quan tâm thực hiện chuyên đề này.
Đ. PHI