Bộ Giáo dục lên tiếng việc ứng viên GS, PGS tăng đột biến
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến là do thời gian kết thúc nộp hồ sơ năm 2017 dài thêm 6 tháng theo quy chế mới, nên số ứng viên đủ điều kiện tăng lên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: TTXVN |
Chất lượng tăng lên
Nói kỹ hơn về vấn đề này, tại phiên họp báo Chính phủ tối 1/3, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng, 6 tháng là thời gian dài để các ứng viên đăng thêm được báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, lượng ứng viên tăng do trước đây Chính phủ có đề án cho cán bộ đi học nước ngoài để bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng dạy và sau một số năm họ cũng đáp ứng đủ các điều kiện để xét tuyển.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nên số lượng cán bộ này cũng dần tích lũy được các điều kiện và đạt tiêu chuẩn tham gia xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Liên quan đến chất lượng ứng viên năm nay, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chất lượng năm 2017 nhìn chung tăng so với năm trước. Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, mặc dù quy chế hiện công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí nước ngoài chưa bắt buộc nhưng thực tế nhiều ứng viên đã có bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Dẫn chứng thực tế, ông Hùng cho biết, năm 2016 có 2.510 bài thì 2017 đã có 5.316 bài, như vậy số bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế tăng gấp 2,1 lần. Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ của ứng viên cũng cải thiện nhiều, trong đó có ứng viên thành thạo 2-3 thứ tiếng và so với thời gian trước đã tăng lên.
Tiếp tục rà soát để khách quan
Theo kết quả được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tổng ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226 người/1.537 ứng viên (tương đương khoảng 79,76%), trong khi năm 2016 đạt 75,51%, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định, tỷ lệ này xấp xỉ các năm và không có gì đột biến.
Tuy nhiên, trước ý kiến của dư luận, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tổ chức rà soát lại hồ sơ ứng viên, nếu phát hiện trường hợp không đáp ứng thì kiên quyết không công nhận.
"Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt tới Bộ và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ ứng viên đăng ký xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư để đảm bảo khách quan. Nếu có đơn thư khiếu nại tố cáo sẽ xem xét theo quy định của luật khiếu nại tố cáo," ông Hùng nói.
Nói thêm về việc này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức báo cáo Thủ tướng về việc rà soát chức danh giáo sư, phó giáo sư, qua đó cho thấy có những ứng viên chưa đủ đề tài, chưa đủ giờ giảng, chưa đủ bài báo, chưa có nghiên cứu khoa học... tức chưa đủ các tiêu chí để xét duyệt phong chức danh giáo sư, phó giáo sư.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong việc này là phải làm nghiêm túc, đánh giá thực chất. Ngay cả ứng viên báo cáo đủ giờ giảng thì giảng ở đâu? giáo trình nào? có hợp đồng giảng dạy thế nào? thù lao ra sao... cũng phải làm rõ, chứ không phải giảng dạy rồi viết một cái giấy là ủng hộ nhà trường, không lấy tiền… những việc này Thủ tướng biết hết chứ không phải không biết," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Thủ tướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước) thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.
"Tới đây, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo lại kết quả rà soát này một cách rõ ràng, minh bạch," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/bo-giao-duc-len-tieng-viec-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-tang-dot-biep/490428.vnp)